In bài viết

Việt Nam, Hàn Quốc cần chú trọng hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh mong muốn Việt Nam và Hàn Quốc tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn, đồng thời chú trọng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

25/06/2022 12:57
Việt Nam, Hàn Quốc cần chú trọng hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn - Ảnh 1.

Các đại biểu dự Diễn đàn Mekyung lắng nghe bài phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh gửi tới diễn đàn - Ảnh: VGP/Hải Minh

Ngày 23/6, tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc, đã Diễn đàn toàn cầu Maekyung lần thứ 30 với chủ  đề “Kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc: Cùng nhau hướng tới tương lai”, với sự tham dự của đông đảo chính giới và đại diện từ các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam.

Sự kiện do Tập đoàn truyền thông Maekyung (Hàn Quốc), Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức.

Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc phát triển nhanh chóng, toàn diện

Trong phát biểu gửi tới Diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đánh giá cao vai trò và những đóng góp của Diễn đàn Maekyung trong việc kết nối, thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa các quốc gia nói chung và quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc nói riêng, đặc biệt là trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (22/12/1992), quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng, toàn diện, tin cậy chính trị không ngừng được củng cố.

Hai nước đã thiết lập quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược”, trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trong nhiều lĩnh vực và đang hướng tới thiết lập quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện”.

Hàn Quốc hiện đứng số một về đầu tư trực tiếp; thứ hai về hợp tác phát triển ODA, lao động và du lịch; thứ ba về thương mại. 9,3 nghìn dự án FDI của Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 80 tỷ USD đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua, đồng thời đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp Hàn Quốc.

Đặc biệt, các dự án quy mô lớn mà các tập đoàn kinh tế đa quốc gia hàng đầu của Hàn Quốc như: Samsung, LG, Posco, Hyosung, Hanwha… đầu tư vào Việt Nam cùng với rất nhiều nhà đầu tư vệ tinh, góp phần quan trọng hình thành các chuỗi cung ứng chiến lược cho doanh nghiệp Hàn Quốc trên phạm vi toàn cầu.

Bên cạnh đó, giao lưu nhân dân diễn ra nhộn nhịp với khoảng 200 nghìn kiều dân đang sinh sống, học tập và làm việc tại mỗi nước.

Doanh nghiệp Hàn Quốc cùng đồng hành trong nỗ lực phục hồi sau đại dịch

Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những biến đổi nhanh chóng, khó lường với nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, Việt Nam kiên định xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh khẳng định.

Hiện nay, Việt Nam đang kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển kinh tế xã hội bền vững. Trong những tháng đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam tiếp tục khởi sắc. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Với quy mô GDP trên 350 tỷ USD, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 ASEAN. Kim ngạch thương mại năm 2021 tăng 22,6%, đạt gần 669 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

Đến nay, Việt Nam đã có gần 35 nghìn dự án FDI đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư hơn 426 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ 139 quốc gia, vùng lãnh thổ. Với kết quả thu hút FDI tích cực, Việt Nam lần đầu tiên được Liên Hợp Quốc đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6% năm 2022 và 7,2% năm 2023.

Đạt được những thành tựu nêu trên, bên cạnh sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao của Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng còn có sự hợp tác chặt chẽ, phối hợp hiệu quả, hỗ trợ kịp thời của cộng đồng quốc tế, trong đó có Chính phủ, nhân dân và các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh trân trọng cảm ơn các nhà đầu tư Hàn Quốc thời gian qua đã chung tay chia sẻ trách nhiệm xã hội với nhiều hoạt động hỗ trợ rất thiết thực như xây dựng nhà ở cho người lao động, xây dựng đường xá, hạ tầng cho địa phương, học bổng cho sinh viên, hỗ trợ thiết bị y tế và đóng góp vào quỹ vaccine phòng COVID-19.

Nỗ lực đưa kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD năm 2023

Để góp phần phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị hai nước tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn, đồng thời chú trọng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hàn quốc yên tâm đầu tư ổn định, lâu dài tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định.

Hai bên cần tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước, trong đó triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và đa phương như Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) nhằm sớm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ vào năm 2030 theo hướng cân bằng.

Đồng thời, hai bên cần triển khai nâng tầm đối tác chiến lược trên nền tảng số, qua đó mở ra cơ hội đầu tư và kết nối doanh nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về chuyển đổi số, quản trị doanh nghiệp cho các doanh nghiệp Việt Nam; và xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.

Cùng với quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, Phó Thủ tướng Thường trực bày tỏ tưởng rằng Diễn đàn toàn cầu Maekyung lần thứ 30 sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, địa phương hai nước hợp tác hiệu quả, góp phần tích cực vun đắp quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam – Hàn Quốc./.

Hải Minh