In bài viết

Việt Nam kết nối quản lý cơ sở dữ liệu online bảo hộ giống cây trồng

(Chinhphu.vn) - Hôm nay (28/9), Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) thông báo chính thức kết nối liên thông với hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu của Hiệp hội Quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV e-PVP). Cơ sở dữ liệu online UPOV e-PVP được xây dựng dựa trên cơ sở thực hiện công ước quốc tế về thực hiện bảo hộ giống cây trồng mới.

28/09/2023 18:18
Việt Nam kết nối quản lý cơ sở dữ liệu online UPOV e-PVP - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt và ông Peter Button, Phó Tổng thư ký UPOV cắt băng khai trương kết nối dữ liệu online UPOV e-PV - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Việt Nam đã gia nhập UPOV năm 2006 để bảo hộ các giống cây trồng do các nhà khoa học trong nước chọn tạo, phát hiện và phát triển. Việc bảo hộ cũng là động lực thu hút nhập khẩu các giống cây trồng từ nước ngoài và tạo điều kiện đưa giống cây trồng của Việt Nam bảo hộ ở nước ngoài theo mục tiêu mà Chiến lược sở hữu trí tuệ của Việt Nam giai đoạn 2020-2030 đã đề ra.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), từ khi trở thành thành viên UPOV đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong quá trình xác lập quyền đối với giống cây trồng, trở thành quốc gia đi đầu trong khu vực về bảo hộ giống cây trồng. Số đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới tăng hằng năm và tính đến cuối năm 2022, tổng số đơn đạt khoảng 2.200 đơn, trong đó có khoảng 1.000 giống cây trồng đã được cấp bằng bảo hộ. Nhiều giống cây trồng có chất lượng tốt, năng suất cao, nhiều đặc tính nổi bật được chọn tạo và đưa ra thị trường, góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành trồng trọt…

"Các giống mới được chọn tạo, phát hiện và phát triển không chỉ tập trung vào một số loài thuộc nhóm cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày như trước đây. mà trở nên rất đa dạng. Từ năm 2017, nhiều giống cây trồng thuộc nhóm cây lâm nghiệp, cây dược liệu, nấm được quan tâm, tham gia bảo hộ. Đến nay, đã có trên 200 loài cây trồng có giống đăng ký bảo hộ tại Việt Nam", ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.

Việt Nam kết nối quản lý cơ sở dữ liệu online UPOV e-PVP - Ảnh 2.

Ông Peter Button, Phó Tổng thư ký UPOV: Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trong việc bảo hộ giống cây trồng tại Đông Nam Á - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Từ năm 2017, khi Việt Nam được thực hiện bảo hộ đối với tất cả các loài cây trồng, số lượng đơn đăng ký bảo hộ từ nước ngoài ngày càng tăng, một số doanh nghiệp giống cây trồng Việt Nam bắt đầu quan tâm, đăng ký bảo hộ giống ở nước ngoài. Ngoài ra, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Việt Nam về nhiệm vụ phát triển nền tảng số, chính phủ điện tử đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 80% thủ tục hành chính được thực hiện trên môi trường mạng nhằm đẩy nhanh quá trình giải quyết thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí, minh bạch thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Từ 2018, được sự hỗ trợ của Nhật Bản và UPOV, Việt Nam đã tham gia UPOV Prisma và từng bước tham gia hệ thống UPOV e-PVP. UPOV e-PVP bao gồm nhiều mô-đun cơ bản được xây dựng theo hình thức website trực tuyến, hỗ trợ các nước thành viên UPOV trong quá trình thẩm định đơn đăng ký bảo hộ, quản lý dữ liệu một cách hiệu quả, nhanh chóng và an toàn do UPOV e-PVP được sử dụng công nghệ điện toán đám mây tích hợp blockchain.

Ông Peter Button, Phó Tổng thư ký UPOV đã chia sẻ thêm về các hoạt động mà UPOV đã hỗ trợ Việt Nam và cũng hỗ trợ nhiều các quốc gia khác. Ông Peter Button nhấn mạnh: "Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trong việc bảo hộ giống cây trồng tại Đông Nam Á, vì cho đến thời điểm này Việt Nam đã, đang và làm rất tốt và là một chuyên gia trong lĩnh vực trong khu vực".

Đỗ Hương