Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ phát biểu tại cuộc họp. |
Đây là cuộc họp định kỳ 3 tháng của HĐBA thảo luận tình hình thực địa vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Bên cạnh đó, hằng quý, HĐBA còn tổ chức các cuộc thảo luận mở về diễn biến tiến trình hòa bình Trung Đông và các cuộc họp thảo luận tình hình thực hiện Nghị quyết 2334 (2016) của HĐBA liên quan các khu định cư của Israel tại lãnh thổ chiếm đóng của Palestine.
Theo Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, Điều phối viên đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về tiến trình hòa bình Trung Đông Tor Wennesland và người đứng đầu Cơ quan LHQ cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) Philippe Lazzarini đã tham dự và báo cáo tại cuộc họp.
Các báo cáo viên cho biết trong 11 ngày xung đột vừa qua đã có 253 người Palestine, trong đó có ít nhất 66 trẻ em, thiệt mạng trong các cuộc không kích và pháo kích của Israel. Trong một số trường hợp, toàn bộ gia đình, bao gồm cả phụ nữ, trẻ em và trẻ sơ sinh thiệt mạng. Về phía Israel có 9 người Israel và 3 người nước ngoài thiệt mạng do các cuộc tấn công bằng rocket và súng cối từ phía Gaza.
Các báo cáo viên cũng cho biết LHQ đang điều phối việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân tại Gaza và đã công bố việc vận động các nhà tài trợ đóng góp 95 triệu USD để phục vụ mục đích này.
Các nước thành viên HĐBA hoan nghênh việc các bên tuyên bố ngừng bắn sau 11 ngày giao tranh căng thẳng, tuy nhiên, bày tỏ quan ngại về khả năng duy trì lệnh ngừng bắn này, kêu gọi các bên tiếp tục kiềm chế tối đa, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình.
Các nước cũng đánh giá cao vai trò của các nước, các tổ chức trong và ngoài khu vực đã tích cực thúc đẩy các bên giảm leo thang, đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Về vấn đề nhân đạo, các nước thành viên HĐBA bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình hiện nay tại Gaza sau xung đột, đặc biệt là tình trạng các công trình hạ tầng thiết yếu bị phá huỷ, khiến cuộc sống của người dân đặc biệt khó khăn.
Nhiều ý kiến kêu gọi việc tăng cường hỗ trợ cho các hoạt động nhân đạo và tái thiết. Một số nước công bố các khoản viện trợ nhân đạo cho người dân Palestine ngay trong dịp này.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý hoan nghênh tuyên bố ngừng bắn giữa các bên và đánh giá cao những nỗ lực mang tính xây dựng của các nước trong khu vực, LHQ, nhóm Bộ tứ Trung Đông và các đối tác quốc tế khác trong vấn đề này.
Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ lệnh ngừng bắn và tìm kiếm một giải pháp lâu dài, bền vững cho cuộc xung đột, trong đó tất cả các bên cần kiềm chế tối đa và có các bước cụ thể để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột.
Đại diện Việt Nam kêu gọi Israel ngừng tất cả các hoạt động định cư ở Bờ Tây, bao gồm cả Đông Jerusalem, dừng việc phá dỡ nhà cửa của người Palestine và trục xuất người dân Palestine. Đại sứ cũng kêu gọi các bên liên quan thúc đẩy nối lại các cuộc đàm phán về vấn đề Palestine, khẳng định giải pháp duy nhất là giải pháp hai nhà nước, trong đó thành lập Nhà nước Palestine với Đông Jerusalem là thủ đô, cùng tồn tại hòa bình cùng với Nhà nước Israel, với đường biên giới an toàn, được quốc tế công nhận trên cơ sở ranh giới trước năm 1967 và đàm phán thoả thuận, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và các nghị quyết liên quan của LHQ.
Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo đảm cung cấp nhân đạo không bị cản trở tại Gaza, hoan nghênh UNRWA và các tổ chức quốc tế trong việc cứu trợ người Palestine ở Gaza trong và sau xung đột, đồng thời tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ cho các hoạt động nhân đạo và tái thiết ở Gaza.
Cùng ngày, HĐBA đã thông qua Nghị quyết 2576 với 15/15 phiếu thuận về việc gia hạn hoạt động của Phái bộ LHQ trợ giúp cho Iraq (UNAMI) thêm 12 tháng. Nghị quyết lần này bổ sung thêm nội dung tăng cường năng lực cho UNAMI để giám sát cuộc bầu cử tại Iraq vào tháng 10 tới với phạm vi địa lý rộng nhất có thể.
Nghị quyết cũng thừa nhận các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thay đổi sinh thái và thiên tai cùng với các yếu tố khác có thể góp phần gây ra sa mạc hóa và hạn hán, ảnh hưởng đến tình hình nhân đạo và sự ổn định ở Iraq.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng ghi nhận mối đe dọa do vật liệu nổ gây ra và hoan nghênh các nỗ lực của các cơ quan, tổ chức tại Iraq trong việc tháo gỡ, làm sạch các loại vật liệu nổ này.