Đại sứ Singapore tại Việt Nam Catherine Wong. Ảnh: VGP |
Củng cố sự thống nhất và đoàn kết của ASEAN
Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ về ý nghĩa của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, Đại sứ Singapore tại Việt Nam Catherine Wong cho biết, Hội nghị diễn ra trong một năm đầy biến động. Mặc dù đại dịch COVID-19 đã ngăn cản việc tổ chức các cuộc họp theo hình thức truyền thống, nhưng nhờ sự lãnh đạo mạnh mẽ của Việt Nam, ASEAN tiếp tục đạt được những tiến bộ mạnh mẽ trong năm nay.
Trong năm qua, các thành viên ASEAN đã hợp tác chặt chẽ để đối phó với những thách thức trước mắt do đại dịch COVID-19 gây ra và cho thấy rằng ASEAN vẫn mở cửa cho các hoạt động kinh doanh và thương mại, đồng thời củng cố sự thống nhất và đoàn kết của ASEAN.
Hội nghị Cấp cao lần thứ 37 là cơ hội tốt để ASEAN tiếp tục phát triển song hành với các nỗ lực ứng phó COVID-19 thông qua Quỹ ASEAN về ứng phó dịch COVID-19, Phục hồi tổng thể ASEAN và Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN để ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp.
Hội nghị cũng là cơ hội kịp thời để các quốc gia thành viên thúc đẩy các sáng kiến do ASEAN dẫn dắt, tăng cường gắn kết với các đối tác đối thoại và tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực.
“Trong bối cảnh gia tăng căng thẳng địa chính trị trên thế giới, Singapore hy vọng rằng Hội nghị sẽ tạo ra một nền tảng để các bên bày tỏ quan điểm và tìm cách giải quyết những vấn đề này một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế”, bà Catherine Wong cho biết thêm.
Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Ibnu Hadi cũng đề cao tầm quan trọng của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Đại sứ cho rằng, đại dịch này đã tạo ra hoàn cảnh chưa từng có trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến mọi mặt của cuộc sống và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới. Vì vậy Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này sẽ cho thế giới thấy ASEAN có thể góp phần hồi sinh nền kinh tế thế giới.
ASEAN là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế trên thế giới. Vì vậy, kết quả của Hội nghị thượng đỉnh sẽ được cả thế giới quan tâm và chờ đợi.
Đại sứ Indonesia nhấn mạnh, trong Năm Chủ tịch ASEAN, Việt Nam rất quyết tâm đưa ASEAN phát triển, bất chấp đại dịch COVID-19, mặc dù hầu hết các cuộc họp của ASEAN phải triển khai theo hình thức trực tuyến.
Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra trong tuần này sẽ đề ra một số giải pháp nhằm ứng phó với COVID-19 thông qua việc các nước ASEAN cùng nhau tạo ra nguồn lực, nguồn quỹ để giải quyết các vấn đề y tế, cũng như thảo luận nhằm sớm khởi động chương trình Hành lang Du lịch. Đây là biện pháp tạo thuận lợi cho doanh nhân, nhất là trong khu vực ASEAN, vì các hoạt động kinh doanh chịu tác động tiêu cực rất lớn do đại dịch.
Đại sứ Ibnu Hadi mong muốn, các nước ASEAN tạo điều kiện thuận lợi cho việc khởi động chương trình này để giúp cho các hoạt động của doanh nghiệp sớm được phục hồi, nhưng đồng thời vẫn phải tuân theo quy trình đảm bảo an toàn sức khỏe.
Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Ibnu Hadi. Ảnh: VGP |
RCEP - động lực nhằm phục hồi, tái sinh các hoạt động kinh tế
Khi được hỏi về ý nghĩa của việc ký kết RCEP, Đại sứ Catherine Wong bày tỏ: “Việc ký kết RCEP sẽ gửi đi một thông điệp vang dội về sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời thúc đẩy niềm tin vào sự ổn định và hội nhập của nền kinh tế khu vực. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay, điều quan trọng đối với ASEAN là phải cho thế giới thấy rằng chúng ta đang mở cửa kinh doanh, với một nền kinh tế ổn định và hội nhập, tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài”.
Còn Đại sứ Indonesia Ibnu Hadi cho rằng, RCEP sẽ là một thành tựu lớn và rất lạc quan về việc Hiệp định sẽ được ký kết vào cuối Hội nghị lần này.
“Sau khi được ký kết, Hiệp định sẽ tạo ra một động lực nhằm phục hồi và tái sinh các hoạt động kinh tế. ASEAN cùng với 5 nước đối tác sẽ cùng nhau cố gắng phục hồi nền kinh tế”, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam nhấn mạnh thêm.
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan diễn ra từ ngày 12-15/11/2020 theo hình thức trực tuyến tại Hà Nội, Hiệp định RCEP dự kiến sẽ được ký kết. Đây là hiệp định thương mại tự do được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN và 5 đối tác đối thoại bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Tính tới hết năm 2019, các quốc gia tham gia RCEP có tổng dân số 2,2 tỷ người, với tổng GDP hơn 25.600 tỷ USD (chiếm 29,3% GDP toàn cầu). Khối lượng thương mại của các nước tham gia đạt 10.400 tỷ USD, tương đương 27,4% thương mại toàn cầu.
Thùy Dung