Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, bà Park Mihyung cho biết, di cư quốc tế cũng như di cư trong nước từ lâu đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Lượng kiều hối chuyển về nước theo đường chính thức chiếm tới 5% GDP của Việt Nam và con số thực tế còn cao hơn rất nhiều.
Khi việc di cư được thực hiện một cách hợp pháp, an toàn và trật tự, người Việt Nam di cư ra nước ngoài để làm việc sẽ có thể kiếm được nhiều tiền hơn, năng suất lao động cao hơn cũng như có thể rèn luyện kỹ năng và kiến thức để có thể đóng góp lại cho đất nước. Bên cạnh đó, người di cư cũng có những đóng góp đối với các quốc gia sở tại.
Thỏa thuận GMC là một thành tựu rất quan trọng đối với cộng đồng quốc tế; là hiệp định liên chính phủ đầu tiên được đàm phán, khi tất cả các quốc gia đều nhận định rằng di cư là một vấn đề rất nhạy cảm và cấp thiết.
Trưởng phái đoàn IOM nhận định, tại Việt Nam, không chỉ Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Thỏa thuận GMC mà hầu hết các tỉnh, địa phương và 7 bộ, ngành đã xây dựng kế hoạch triển khai Thỏa thuận GMC riêng và đó là thành công đáng ghi nhận.
Thêm vào đó, việc Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc là một thành tựu to lớn. Thực tế cho thấy vai trò Việt Nam hiện nay đã thực sự được quốc tế công nhận. Vì vậy, cộng đồng quốc tế đang rất trông chờ vào những hoạt động của Việt Nam về vấn đề nhân quyền.
Theo bà Park Mihyung, không chỉ ở Việt Nam, mà tại nhiều nơi, di cư trái phép gây ra nhiều tổn thương và rủi ro tiềm ẩn. Điều quan trọng là cần phải hành động nhiều hơn nữa và đảm bảo rằng việc di cư được thực hiện đúng đắn để có thể mang lại nhiều lợi ích hơn cho Việt Nam và những người di cư.
Theo đó, Việt Nam nên hợp tác và phối hợp với các nước sở tại để nâng cao quyền lợi cho người lao động di cư Việt Nam cũng như đưa ra nhiều cam kết hơn nữa trong việc đối phó với nạn buôn người, không chỉ ở khía cạnh phòng ngừa mà còn về truy tố, xét xử và bảo vệ.
Hơn nữa, Việt Nam cũng cần nâng cao năng lực và bổ sung nguồn lực cho các tỉnh cũng như các bộ, ngành liên quan để có thể thực sự triển khai nhiều biện pháp hơn nữa trong công tác phòng, chống buôn bán người.
Bên cạnh đó, dữ liệu là yếu tố quan trọng đầu tiên trong việc xây dựng chính sách di cư. Khi không có nguồn dữ liệu phù hợp thì không thể đưa ra các chính sách và can thiệp hiệu quả.
Do đó, Việt Nam nên đầu tư nhiều hơn vào dữ liệu trên mọi phương diện từ di cư đến buôn bán người và các lĩnh vực khác của di cư, xây dựng khung pháp lý phù hợp và đảm bảo rằng một số khung pháp lý được cập nhật phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, Việt Nam cần phải triển khai và thực hiện các chính sách pháp luật một cách thực tế. Điều cần thiết là nâng cao năng lực của các tỉnh và các bộ, ngành liên quan và tăng cường chuyên môn, nguồn lực, nhân sự để có thể thực sự thực thi các chính sách này.
Bà Park Mihyung cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp và hợp tác cũng như vai trò của các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan tổ chức quốc tế trong việc thúc đẩy di cư an toàn.
Di cư là vấn đề bao trùm, vì vấn đề này không chỉ liên quan tới một bộ hay một tỉnh mà là mối quan tâm chung của tất cả các bộ, ban, ngành và địa phương. Vì vậy, Việt Nam cần tăng cường phối hợp, nỗ lực và hợp tác tốt giữa các bên liên quan để đạt được kết quả tốt.
Hơn tất cả, nâng cao nhận thức cho người dân là mấu chốt cho di cư an toàn và lành mạnh. Theo đó, những người Việt Nam muốn ra nước ngoài và những người Việt Nam đã trở về hoặc đã ở nước ngoài cần nhận thức được các quyền của mình, những dịch vụ có sẵn và những gì họ có thể hưởng lợi.
Đề cập tới những hỗ trợ cho Việt Nam trong thời gian tới, bà Park Mihyung nhấn mạnh, phía IOM đảm bảo hỗ trợ Chính phủ Việt Nam cũng như tất cả các bên liên quan và người di cư để họ tiến hành di cư hợp pháp, trật tự và an toàn.
Bên cạnh đó, IOM triển khai nhiều hoạt động trên các lĩnh vực như đảm bảo quyền cho lao động di cư; phòng, chống mua bán người; chăm sóc sức khỏe người di cư và tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến di cư vì khía cạnh này hiện vẫn ít được nói đến.
"Di cư sẽ trở thành một trong những cơ chế thích ứng quan trọng nhằm đối phó với những diễn biến của biến đối khí hậu. Chúng ta phải luôn sẵn sàng cho mọi tình huống và chúng tôi đang thực hiện nhiều nghiên cứu nhằm tìm hiểu thêm về vấn đề này", bà Park Mihyung cho biết thêm.
Ngoài ra, phía IOM phối hợp rất chặt chẽ với các cộng đồng để nâng cao nhận thức về di cư an toàn, cách thực hiện di cư an toàn và cũng làm việc về xây dựng khung pháp lý liên quan đến lao động di cư hoặc phòng, chống buôn bán người.
Gần đây IOM tại Việt Nam đang thực hiện và phát triển môt dự án liên quan tới sức khỏe người di cư trong thời kỳ bùng phát dịch COVID-19 vào năm ngoái.
Phía IOM đã hợp tác với Bộ Y tế triển khai xây dựng một cuốn sổ tay dành cho người Việt Nam di cư, đặc biệt là đến những quốc gia tiếp nhận nhiều lao động từ Việt Nam như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam nhấn mạnh, không chỉ IOM mà cả Liên Hợp Quốc cam kết sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam để có thể thực sự đạt được những mục tiêu và kế hoạch đã đề ra.
Thùy Dung