Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng sự lựa chọn Việt Nam là nơi tổ chức Hội nghị APK 14 thể hiện niềm tin của cộng đồng DN Đức và khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào xu thế và triển vọng phát triển của Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đây là sự kiện được tổ chức 2 năm 1 lần kể từ năm 1986 và đã trở thành một trong những sự kiện mang tầm quốc tế lớn trong khu vực, thu hút nhiều chính trị gia và các chuyên gia kinh tế tham dự.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong những năm gần đây, mặc dù vẫn còn không ít khó khăn, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã nổi lên là động lực tăng trưởng và liên kết của kinh tế thế giới. Khu vực này trở thành một trung tâm kinh tế lớn, chiếm gần 55% GDP toàn cầu và có vai trò rất quan trọng hình thành trật tự thế giới trong tương lai.
Tạo nên xu thế phát triển mạnh mẽ này có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hoạt động kinh doanh tại khu vực, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Đức. Việt Nam đánh giá rất cao vai trò của các công ty Đức đang đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu với kim ngạch hai chiều năm 2013 đạt gần 8 tỷ USD, chiếm hơn 20% tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - EU.
Nhiều tập đoàn, công ty danh tiếng của Đức như Siemens, Daimler, Adidas, B.Braun, Allianz... đã có mặt tại Việt Nam từ rất sớm. Tuy nhiên, thương mại, đầu tư của Đức hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, mong muốn và quan hệ tốt đẹp giữa 2 nước.
Theo Thủ tướng, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Merkel ngày 15/10/2014 tại Berlin, Thủ tướng hai nước đã thống nhất nhiều định hướng hợp tác chiến lược quan trọng gắn với các kế hoạch hành động cụ thể để đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.
Trong đó tập trung vào các nhóm lĩnh vực trọng tâm là hợp tác về chính trị chiến lược, thương mại và đầu tư, tư pháp và pháp luật, hợp tác phát triển và bảo vệ môi trường; giáo dục, khoa học công nghệ, văn hóa, truyền thông và xã hội. Đây chính là khung khổ vững chắc cho sự hợp tác thành công của doanh nghiệp hai bên, nhất là trong các ngành mà hai bên có thế mạnh và có nhu cầu như: phát triển năng lượng, công nghệ xanh, sạch, công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ, giao thông công cộng, tài chính ngân hàng, hàng tiêu dùng, hàng nông thủy sản và trên các lĩnh vực khác...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cùng các Bộ trưởng tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, Việt Nam đang trong tiến trình xây dựng mạnh mẽ Nhà nước pháp quyền và phát huy quyền dân chủ của người dân, hình thành đồng bộ thể chế kinh tế thị trường; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng GDP bình quân 6-7%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó Việt Nam có nhu cầu lên tới hàng chục tỷ USD để đầu tư vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng về điện, năng lượng tái tạo, giao thông, nhất là giao thông đô thị, cảng biển, sân bay và trên các lĩnh vực khác về kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội,...
“Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng hạ tầng, cung cấp dịch vụ công theo mô hình đối tác công-tư (PPP). Đây cũng chính là thế mạnh của các nhà đầu tư, của các doanh nghiệp Đức”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho hay hiện nay Việt Nam đang nỗ lực cùng các quốc gia thành viên hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, hình thành một thị trường chung của ASEAN với dân số 600 triệu người, có GDP hơn 2.000 tỷ USD có tự do di chuyển của vốn, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động trong cả khu vực ASEAN.
Đồng thời, Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện hiệu quả 8 Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và Việt Nam cũng đang nỗ lực đàm phán 6 Hiệp định thương mại tự do mới có tiêu chuẩn cao, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.
Với nỗ lực cải cách trong nước và chủ động tham gia các Hiệp định thương mại tự do có tiêu chuẩn cao trong thời gian tới, môi trường pháp luật, kinh doanh của Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện, thuận lợi hơn, cạnh tranh hơn.
Nền kinh tế thị trường Việt Nam sẽ kết nối với nhiều khối kinh tế, đối tác lớn trên toàn cầu. Các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam sẽ có cơ hội thuận lợi để xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang các nước đối tác của Việt Nam với mức thuế xuất thấp và các hàng rào kỹ thuật được dỡ bỏ theo đúng các cam kết hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các đối tác...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, sự lựa chọn Việt Nam là nơi tổ chức Hội nghị APK 14 thể hiện niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp Đức và khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào xu thế và triển vọng phát triển của Việt Nam. Thủ tướng bày tỏ tin tưởng: “Việt Nam sẽ là mảnh đất lành để các bạn và chúng tôi, chúng ta cùng nhau hợp tác và cùng thành công”.
“Chính phủ Việt Nam, chính quyền các địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp của Đức xúc tiến thương mại, tiến hành đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam. Việt Nam luôn coi sự thành công của các bạn cũng chính là thành công của Việt Nam chúng tôi”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Cộng hòa Liên bang Đức Sigmar Gabriel. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đại diện gần 700 doanh nghiệp hàng đầu của Đức, doanh nghiệp các nước trong khu vực và Việt Nam tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Sau phiên khai mạc, trong ngày 21/11 các đại biểu sẽ tham dự các phiên họp: Phiên Đối thoại với các Bộ trưởng châu Á; Phiên về tổng quan kinh tế châu Á; các phiên thảo luận theo chủ đề về Công nghiệp chế tạo, nguồn nguyên liệu thô; FTA và châu Á - Thái Bình Dương; về sở hữu trí tuệ, an ninh và ổn định chính trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương;...
Nguyễn Hoàng - Nhật Bắc