|
Quyền bình đẳng cho tất cả các thành viên trong gia đình loài người là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới |
Ngày 10/12/1948 tại Paris, chỉ sau ba năm khi Liên Hợp Quốc được hình thành, Bản tuyên ngôn Nhân quyền, thỏa thuận pháp lý quốc tế đầu tiên về quyền con người được các quốc gia cùng nhau xây dựng.
Với 30 điều khoản, Tuyên ngôn thừa nhận phẩm giá vốn có, các quyền bình đẳng và bất di, bất dịch của mọi thành viên trong gia đình nhân loại về các quyền dân sự, chính trị, quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của các cá nhân; quyền của trẻ em, quyền của phụ nữ và khẳng định quyền con người thuộc về tất cả mọi người, nhân quyền là mục tiêu chung của cả nhân loại.
Bộ Luật quốc tế về quyền con người
Cùng với Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948, ngày 16/12/1966, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua hai công ước quốc tế quan trọng: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Theo đó, các nguyên tắc, quy phạm và chuẩn mực quốc tế về con người được hình thành trong từng lĩnh vực cụ thể.
Những văn bản trên được cộng đồng quốc tế thừa nhận là Bộ luật quốc tế về quyền con người, tập trung vào bảo vệ quyền và tự do cơ bản của con người: bảo vệ, ngăn ngừa phân biệt đối xử; bảo vệ quyền phụ nữ, quyền trẻ em, xóa bỏ chế độ nô lệ và các tập tục tương tự nô lệ; quyền con người trong quản lý tư pháp, tự do thông tin, tự do hiệp hội, tuyển dụng lao động, kết hôn, gia đình và thanh niên, phúc lợi xã hội, tiến bộ và phát triển; quyền hưởng thụ văn hóa, phát triển và hợp tác văn hóa quốc tế; vấn đề quốc tịch, không quốc tịch, cư trú và người tị nạn, tội phạm chiến tranh, tội phạm chống nhân loại, diệt chủng, về cấm tra tấn…
|
Kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn nhân quyền: Phẩm giá và công bằng cho tất cả chúng ta |
Quan điểm của Việt Nam về vấn đề nhân quyền
Sau khi trở thành thành viên các công ước nhân quyền đầu tiên từ năm 1981, Việt Nam tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, từng bước thể chế hóa quyền con người phù hợp với điều kiện trong nước và tiêu chuẩn về quyền con người được cộng đồng thế giới thừa nhận.
Chỉ thị 12/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII ngày 12/7/1992 khẳng định: Quyền con người là giá trị chung của nhân loại; khái niệm quyền con người có tính giai cấp sâu sắc; giải phóng con người gắn liền với giải phóng dân tộc, giai cấp, xã hội; lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích toàn xã hội gắn kết chặt chẽ với nhau; quyền dân chủ, tự do của mỗi cá nhân không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm công dân; quyền con người gắn với quyền dân tộc cơ bản và thuộc phạm vi chủ quyền quốc gia; và quyền con người luôn gắn với lịch sử, truyền thống và phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Việt Nam nỗ lực bảo đảm quyền con người
Hiến pháp Việt Nam qua các năm 1946, 1959, 1980 và 1992 luôn phát triển, mở rộng và hoàn thiện cơ chế đảm bảo nhân quyền, đề cao các giá trị của quyền con người.
|
Tất cả trẻ em Việt Nam đều được hưởng giáo dục, quyền được học tập |
Những nỗ lực phấn đấu của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao với việc Việt Nam được bầu làm thành viên Ủy ban nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2001-2003 và trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.
Trong những năm qua, Việt Nam luôn tích cực thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, theo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được đảm bảo.
Báo cáo phát triển con người năm 2007-2008 của Chương trình Phát triển LHQ đánh giá Việt Nam tăng 4 bậc so với năm 2007 về chỉ số phát triển con người (xếp thứ 105 trong danh sách 177 nước xếp hạng).
Tuy nhiên, thực thi nhân quyền phải gắn liền với bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền và an ninh quốc gia. Đảng, Nhà nước kiên quyết chống lại luận điệu thù địch coi nhân quyền cao hơn chủ quyền; nhân quyền không biên giới quốc gia; quá nhấn mạnh tính phổ biến của nhân quyền mà coi nhẹ các yếu tố có tính đặc thù về lịch sử, văn hóa, dân trí, trình độ phát triển kinh tế, xã hội hay coi tự do, lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, quốc gia, dân tộc…, để đi đến sao chép một cách máy móc mô hình dân chủ, nhân quyền của nước này áp đặt cho nước khác, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định từ bên trong.
Việt Nam đã và đang chủ động tham gia vào cuộc đấu tranh chung vì quyền con người; sẵn sàng đối thoại và hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan về vấn đề nhân quyền, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ngày càng tốt hơn./.
Hương Giang