Đại sứ Luận Thuỳ Dương |
Myanmar là một trong những nước có quan hệ hữu nghị sớm nhất với Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1947, Việt Nam đặt cơ quan liên lạc đầu tiên tại Yangon. Năm 1948, hai bên nhất trí nâng cấp cơ quan liên lạc thành Văn phòng Thông tin tuyên truyền và đến 1957, nâng cấp thành Tổng lãnh sự quán. Ngày 28/5/1975, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và đặt Đại sứ quán tại hai nước.
Quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện
Tháng 11/1954, Thủ tướng U Nu sang thăm Việt Nam, ký Tuyên bố chung với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy "5 nguyên tắc chung sống hòa bình" làm cơ sở quan hệ hai nước. Tháng 2/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Myanmar, trong Tuyên bố chung, Myanmar khẳng định ủng hộ việc thống nhất Việt Nam theo Hiệp định Geneva. Kể từ đó, mối quan hệ Việt Nam-Myanmar luôn được nuôi dưỡng, củng cố và phát triển. Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Myanmar của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 8/2017, hai bên đã ký Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên "Đối tác Hợp tác Toàn diện".
Theo Tuyên bố chung, quan hệ Việt Nam-Myanmar được xác định với một khuôn khổ mới là quan hệ đối tác, hợp tác toàn diện trên tất cả các mặt, trong đó có 5 lĩnh vực trụ cột: i) Hợp tác chính trị; (ii) Hợp tác quốc phòng và an ninh; (iii) Hợp tác kinh tế; (iv) Hợp tác văn hóa, xã hội và giao lưu nhân dân; và (v) Hợp tác khu vực và quốc tế.
Với khuôn khổ quan hệ mới, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển vượt bậc. Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư được chú trọng, đạt nhiều kết quả to lớn. Kim ngạch thương mại đạt 548,3 triệu USD năm 2016, vượt mục tiêu 500 triệu USD mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đặt ra. Năm 2017, kim ngạch hai chiều đạt 828,3 triệu USD, tăng 51% so với năm 2016.
Việt Nam trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar với 70 dự án và tổng vốn đăng ký đạt gần 2 tỷ USD. Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Myanmar được thành lập và hoạt động tích cực. Một số dự án có hiệu quả, tiêu biểu như: Trung tâm phức hợp Hoàng Anh Gia Lai tại Yangon, đường bay thẳng Việt Nam-Myanmar của Vietnam Airlines và Vietjet Air, chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), mạng viễn thông của Viettel tại Myanmar (Mytel)... Đến nay, Việt Nam đã có hơn 200 doanh nghiệp hiện diện tại Myanmar dưới nhiều hình thức: Văn phòng đại diện, chi nhánh công ty, liên doanh và công ty 100% vốn Việt Nam.
Hợp tác an ninh-quốc phòng song phương ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực, với nhiều nội dung hợp tác mới như: Giao lưu sĩ quan trẻ, đào tạo tiếng Việt và tiếng Myanmar; quân y; công nghiệp quốc phòng; quản lý biên giới, chống di cư bất hợp pháp, chống buôn lậu…
Hai nước cũng đã ký Bản ghi nhớ hợp tác văn hóa, giáo dục, tạo đà cho các chương trình hợp tác, giao lưu về văn hóa, giáo dục, thể thao giữa hai nước.
Cùng hướng tới tương lai
Quan hệ hai nước đã phát triển trên nhiều mặt, trên tinh thần cùng có lợi, đóng góp tích cực cho sự phát triển của mỗi nước và hiện có rất nhiều thuận lợi để đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu.
Thuận lợi lớn là lãnh đạo hai nước luôn duy trì trao đổi và thống nhất trên nhiều lĩnh vực hợp tác cụ thể. Hai bên có cơ chế họp thường niên Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương, tham khảo chính trị, an ninh, quốc phòng, có Tiểu ban hỗn hợp về hợp tác thương mại. Hằng năm, hai bên đều tổ chức các hội chợ thương mại để giới thiệu sản phẩm và thu hút các doanh nghiệp đầu tư tại mỗi nước. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam (tháng 4/2018) của bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Myanmar, hai nước đã làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện bằng việc xác định rõ hơn phương hướng hợp tác, trong hiện tại và tương lai.
Hai nước đã nhấn mạnh việc trao đổi đoàn các cấp và trên tất cả các kênh, bao gồm kênh Đảng, Chính phủ và Quốc hội; nhất trí coi hợp tác chặt chẽ trên kênh Đảng là một trụ cột quan trọng. Đồng thời, giao lưu nhân dân sẽ góp phần tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Lãnh đạo hai nước đã bày tỏ quyết tâm thúc đẩy hợp tác về thương mại-đầu tư, an ninh-quốc phòng, nông-lâm-ngư nghiệp, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, xây dựng, giáo dục, y tế, tư pháp, năng lượng-dầu khí, du lịch, giao thông vận tải và viễn thông. Chính phủ hai nước đã làm rõ nội hàm quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện là trong toàn diện cần sâu sắc, càng sâu sắc, càng toàn diện. Hai nước sẽ sớm ký Chương trình hành động giai đoạn 2018-2023 để triển khai quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, hai nước không chỉ có lịch sử cùng nhau đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc, mà nhân dân hai nước còn có nhiều gắn bó do văn hoá tương đồng. Đây là cơ sở thuận lợi để thúc đẩy giao lưu nhân dân, hợp tác văn hoá và xây dựng cộng đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình thúc đẩy quan hệ đối tác giữa hai nước một cách toàn diện cũng có không ít thách thức và trở ngại. Một là, hợp tác trong lĩnh vực chính trị và quốc phòng luôn có nhiều nhạy cảm. Từ góc độ song phương, cả hai nước vừa phải chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình ổn định chính trị, giữ vững an ninh, thúc đẩy cải cách kinh tế vừa phải tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Trên bình diện đa phương, hai nước cùng là thành viên ASEAN, vừa phải thể hiện là các thành viên có trách nhiệm đóng góp vào tiếng nói chung của Hiệp hội, vừa phải giữ gìn để quan hệ song phương không cản trở hợp tác đa phương và ngược lại.
Hai là, những vấn đề chính trị nội bộ phức tạp của Myanmar đang buộc Chính phủ phải tập trung nhiều nguồn lực để giải quyết, thì việc có một chính sách đối ngoại ổn định là một thách thức không nhỏ.
Ba là, với những diễn biến phức tạp hiện nay trên thế giới và khu vực, cả Việt Nam và Myanmar đang phải chịu rất nhiều sức ép từ bên ngoài. Do đó, hai nước cần tin cậy lẫn nhau hơn, chia sẻ thông tin, quan điểm với nhau nhiều hơn và thường xuyên hơn, ủng hộ nhau nhiều hơn ở các diễn đàn khu vực và quốc tế mới bảo đảm được sự phát triển bền chặt trong quan hệ.
Chia sẻ và học hỏi lẫn nhau
Myanmar mở cửa và hội nhập quốc tế sau Việt Nam nhưng cho đến nay Chính phủ dân sự của Myanmar vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn để thực sự hội nhập và phát triển ổn định.
Tuy nhiên, Myanmar là đất nước tràn đầy nhựa sống. Chính phủ, dù là chế độ nào, đều thể hiện quyết tâm cao, cố gắng không mệt mỏi cho hòa bình, cho hòa giải dân tộc và phát triển. Người dân Myanmar yêu chuộng hoà bình, hiền hoà, chăm chỉ làm ăn và có lòng tự tôn dân tộc rất cao, sẽ đưa đất nước Myanmar tiến về phía trước.
Trong giai đoạn này, vai trò của cá nhân bà Aung San Suu Kyi rất quan trọng. Bà không chỉ là biểu tượng của nền dân chủ ở Myanmar mà còn là con gái của Tướng Aung San, người đã dẫn dắt cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc, nên bà là người có thể kết nối 135 dân tộc Myanmar, kết nối dân sự với quân sự và dẫn dắt cả hai tiến trình quan trọng ở Myanmar hiện nay là tiến trình hoà bình và tiến trình dân chủ. Bà có tình cảm đặc biệt với Việt Nam, đất nước mà cha bà đã cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng quan hệ.
Myanmar luôn coi Việt Nam là người bạn truyền thống, là đối tác tin cậy trong ASEAN và trên các diễn đàn quốc tế khu vực và thế giới. Myanmar luôn bày tỏ mong muốn được học tập, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, đổi mới và cải cách của Việt Nam. Đây là điểm thuận lợi để Việt Nam tiếp tục thực hiện và triển khai phát triển quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện với Myanmar. Việt Nam đã, đang và nên tiếp tục thể hiện là một đối tác tin cậy, chia sẻ sâu sắc với Chính phủ và nhân dân Myanmar.
Việt Nam cần chia sẻ kinh nghiệm nhưng cũng nên học hỏi nhiều ở Myanmar, đặc biệt là về việc quản lý các thành phần kinh tế tư nhân, quản lý đầu tư nước ngoài, phát triển nền giáo dục phổ thông tiên tiến và gìn giữ nền văn hoá truyền thống lâu đời./.