Hình mẫu thành công
Dẫn thông tin từ đài National Public Raido (Mỹ), TTXVN cho biết, ngày 16/4 cơ quan truyền thông này đã đăng bài viết của ông John MacArthur - Giám đốc Văn phòng Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Thái Lan. Ông John cho rằng trong khi nhiều quốc gia Đông Nam Á có hàng nghìn ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thì Việt Nam đã nổi lên như hình mẫu thành công chống dịch của thế giới.
Ông khẳng định chính sự minh bạch cùng với quyết tâm chính trị nhất quán đã giúp Việt Nam làm nên thành công này.
Chuyên gia John MacArthur cho rằng Việt Nam có được thành tích này là nhờ kinh nghiệm đối phó với các đại dịch trước đó, sự quyết liệt trong thực hiện giãn cách xã hội, quyết tâm mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo. Ông nêu rõ: "Việt Nam đã có cam kết chính trị từ sớm ở cấp cao nhất. Quyết tâm chính trị được triển khai nhất quán từ cấp trung ương xuống địa phương".
Theo ông, với kinh nghiệm có được từ việc đối phó với hội chứng suy hô hấp cấp (SARS) năm 2003 và dịch cúm A/H1N1 năm 2009, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các biện pháp ứng phó với COVID-19 ngay từ tháng 1/2020 – thời điểm Trung Quốc mới báo cáo một số ca bệnh ở thành phố Vũ Hán (Wuhan), tâm dịch đầu tiên của nước này. Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra một loạt "chiến thuật", như kiểm dịch trên diện rộng và tích cực truy tìm những người tiếp xúc với mầm bệnh.
Minh bạch, quyết liệt
Bài viết cũng đề cập tới việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mô tả những nỗ lực chống dịch của Việt Nam chẳng khác nào "cuộc tổng tấn công mùa Xuân năm 2020". Hàng chục nghìn người đã được đưa vào các khu vực cách ly. Cuối tháng 3, Việt Nam cấm tất cả các chuyến bay quốc tế và nội địa. Chính phủ ra lệnh cách ly toàn xã hội kể từ ngày 1/4. Những đối tượng vi phạm các lệnh giãn cách xã hội sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. Một người đã bị kết án 9 tháng tù vì không đeo khẩu trang và có hành vi chống người thi hành công vụ.
Tác giả bài viết mô tả tại các thành phố lớn, đường phố thường ngày tấp nập thì nay gần như vắng bóng xe cộ qua lại. Khi những tác động về kinh tế của việc giãn cách xã hội ngày càng rõ ràng, một số doanh nhân đang đẩy mạnh các hoạt động thiện nguyện. Những cây "ATM gạo" xuất hiện ở nhiều nơi để phân phát gạo miễn phí cho những người thất nghiệp.
Ông MacArthur nhấn mạnh cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và CDC đều ca ngợi Việt Nam vì sự minh bạch trong việc xử lý khủng hoảng. Ông cho biết đội ngũ CDC tại Hà Nội đang làm việc rất chặt chẽ với các đối tác tại Bộ Y tế Việt Nam và thông tin từ phía Việt Nam là vào thời điểm này, "không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy những con số đó là không chính xác".
Đoàn kết, kỷ luật
Với các biện pháp cách ly quyết liệt và sự gắn kết xã hội, Việt Nam đang kiểm soát hiệu quả dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 - bài viết mới đăng trên trang mạng Lenta.ru của Nga nhấn mạnh phản ứng của Việt Nam đối với cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 và cho rằng Việt Nam xứng đáng nhận được đánh giá cao từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Bài viết nêu bật, dù có đường biên giới chung với Trung Quốc, nơi bùng phát dịch bệnh, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam tới nay là hơn 260 ca và chưa ghi nhận ca tử vong nào. Phản ứng sớm của Việt Nam đối với khủng hoảng là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công.
Lenta.ru dẫn lời Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam Kidong Park cho rằng:” Việt Nam đã phản ứng với sự bùng phát dịch bệnh này từ sớm và tích cực. Nghiên cứu đánh giá rủi ro đầu tiên được Việt Nam thực hiện từ đầu tháng 1 – ngay sau khi bắt đầu có những thông tin về các trường hợp mắc bệnh ở Trung Quốc”.
Bài viết điểm lại hàng loạt biện pháp của Việt Nam như: Nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 do một Phó Thủ tướng đứng đầu, ngay lập tức đưa ra một kế hoạch phản ứng quốc gia… Việt Nam đã đóng cửa các trường học từ tháng 1, tiến hành cách ly quy mô lớn, đình chỉ các chuyến bay quốc tế. Phần lớn các chuyến bay, tàu hỏa và xe buýt trong nước cũng tạm ngừng. Ngoài ra, biện pháp đeo khẩu trang được áp dụng, những người vi phạm quy định, cố tình lây bệnh cho người khác có thể bị phạt tù lên đến 12 năm.
Bài viết cho biết mặc dù ghi nhận số ca mắc bệnh thấp kể từ ngày 1/4, thời điểm áp dụng quy định cách ly toàn xã hội, Việt Nam đến nay vẫn chưa đề cập đến việc nới lỏng các biện pháp hạn chế trên. Việt Nam vẫn tuyên bố hạn chế nhập cảnh và xuất cảnh khỏi đất nước.
Lenta-ru cũng nêu rõ thành công của Việt Nam có thể được giải thích bằng sự gắn kết xã hội của người dân, thể hiện ở tính kỷ luật và sự đoàn kết, tuân thủ quy định. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có kinh nghiệm chữa trị các bệnh tương tự như viêm phổi không điển hình.
Hào phóng
Cũng theo TTXVN, tờ Asia Times dẫn ý kiến các nhà phân tích, cho rằng chính các biện pháp chống dịch COVID-19 minh bạch, quyết liệt và sự tương trợ của Việt Nam cho các nước trong bối cảnh còn nhiều khó khăn sẽ mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội.
Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales (Australia) lưu ý rằng dù còn nhiều khó khăn, song Việt Nam đã đẩy mạnh sản xuất thiết bị y tế và quyên góp cho các quốc gia khác trong đó có Mỹ, Nga, Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Đức và Anh. Không chỉ vậy, Việt Nam còn tặng khẩu trang, chất khử trùng và các vật tư chống dịch COVID-19 cho các nước láng giềng Campuchia và Lào.
Trong khi đó, ông Alexander Vuving, Giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K Inouye ở Honolulu, Hawaii, khẳng định dù nguồn lực còn hạn chế, song Việt Nam đã thể hiện sự hào phóng đối với cộng đồng quốc tế. Do đó, Việt Nam đang ngày càng nhận được nhiều lời ca ngợi của quốc tế.
Ông Derek Grossman, chuyên gia phân tích quốc phòng cao cấp tại RAND Corporation - cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Washington, nhận định thành công của Việt Nam trong xử lý đại dịch cũng như những nghĩa cử cao đẹp của Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng là cơ hội để Việt Nam chứng minh giá trị ngày càng tăng của mình với thế giới.
Nhà báo người Anh John Pennington thì nêu rõ không chỉ đối phó hiệu quả với dịch COVID-19 nhờ nhanh chóng triển khai các biện pháp cô lập, cách ly và theo dấu những người từng tiếp xúc với người nhiễm bệnh, Việt Nam đã tặng hàng trăm nghìn khẩu trang cho các nước láng giềng Đông Nam Á và các nước châu Âu. Nhà báo Anh đánh giá thông qua hành động này, "Việt Nam đã nhận được niềm tin của các nhà lãnh đạo thế giới" và gia tăng vị thế ngoại giao của mình./.