Buổi lễ có sự tham gia của đại diện Cơ quan phòng, chống ma túy và thực thi pháp luật Quốc tế (INL), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).
Dự án hợp tác nhằm giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách pháp luật, phù hợp với Công ước quốc tế về Quyền trẻ em và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam đã tham gia để bảo vệ người chưa thành niên.
Dự án cũng sẽ tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ hành pháp và nâng cao khả năng tiếp cận của người chưa thành niên bị xâm hại tới các dịch vụ bảo vệ kịp thời và chất lượng.
"INL cùng phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam vinh dự được phối hợp với các đối tác Chính phủ Việt Nam, các tổ chức IOM và UNICEF nhằm hỗ trợ thực hiện một dự án hướng tới bảo vệ những thành viên quý giá nhưng cũng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Bảo vệ trẻ em cũng chính là cách để chúng ta gìn giữ tương lai chính quốc gia của mình", Trợ lý Ngoại trưởng INL Todd D. Robinson phát biểu tại buổi lễ.
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết: "Chúng tôi rất vui mừng với sự hợp tác này nhằm hỗ trợ Việt Nam tăng cường hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên".
Hiện nay, Việt Nam đã hình thành Tòa Gia đình và người chưa thành niên ở 60% tỉnh và thành phố trên cả nước. Bây giờ chính là lúc để hoàn thành tiến trình này và bảo đảm rằng các nhu cầu đặc biệt và tính dễ bị tổn thương của trẻ em được cân nhắc đầy đủ, bà Rana Flowers nhấn mạnh thêm.
Năm 2020, theo ước tính của Chính phủ Việt Nam, số trẻ em bị xâm hại dưới các hình thức khác nhau bao gồm bạo lực, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc chiếm khoảng 5% tổng số trẻ em Việt Nam.
Nhiều bằng chứng trên thế giới cho thấy những trẻ em cần tiếp cận các cơ chế tư pháp hoặc bảo trợ xã hội cũng chính là nhóm phải đối mặt với nguy cơ bị mua bán và bóc lột cao hơn hẳn, vì vậy, nhóm dễ bị tổn thương này phải nhận được sự quan tâm đặc biệt, thậm chí là cấp thiết từ các bên liên quan. Theo số liệu thống kê của Bộ Công an Việt Nam, trẻ em chiếm khoảng 40% tổng số nạn nhân bị mua bán được xác định trong năm 2021.
Bằng chứng thực tế cũng chỉ ra rằng những tác động về mặt kinh tế và xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra càng khiến số trẻ em dễ bị tổn thương tăng cao, bao gồm trẻ em trong các gia đình bị mất nguồn sinh kế; gia tăng bạo hành và bạo lực trên cơ sở giới trong gia đình; ngày càng nhiều trẻ phải bỏ học để đi làm kiếm tiền hỗ trợ gia đình.
Thực tế các vụ việc xảy ra cũng cho thấy các nhóm trẻ em dễ bị tổn thương chính là mục tiêu mà những kẻ mua bán người thường xuyên nhắm đến, không chỉ tại địa phương mà cả trên môi trường mạng.
Bên cạnh một khung pháp lý vững chắc, việc triển khai thi hành pháp luật một cách hiệu quả đóng vai trò rất quan trọng, quan hệ hợp tác lần này sẽ tập trung nhiều hơn nữa vào nâng cao năng lực toàn diện, nhằm bảo đảm thay đổi cách tư duy và phương pháp hoạt động bằng cách làm việc trực tiếp với các bên có trách nhiệm bảo vệ và hỗ trợ trẻ em, đặc biệt là các bên liên quan trong khối tư pháp.
IOM và UNICEF sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ Việt Nam để triển khai thực hiện các hoạt động dự án.
Thùy Dung