Gạo Việt Nam chinh phục thị trường Senegal - Ảnh minh họa
Chiều 14/5, Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal phối hợp với Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp thủ đô Dakar tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến Việt Nam – Senegal.
Theo ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal, Senegal là một quốc gia Tây Phi, có tình hình chính trị ổn định, chính sách thương mại thông thoáng, có cảng biển Dakar là nơi trung chuyển hàng hóa cho các nước không có biển trong tiểu vùng.
Về phía Senegal, đại diện Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp thủ đô Dakar khẳng định, sự kiện giao thương hằng năm tạo điều kiện cho lĩnh vực tư nhân hai bên gặp gỡ, hợp tác trên cơ sở cùng có lợi.
"Chúng tôi mong muốn ngoài thương mại, còn có hoạt động hợp tác đầu tư sau sự kiện ngày hôm nay, nhằm giúp doanh nghiệp hai bên hợp tác bền vững", đại diện Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp thủ đô Dakar nói.
Gạo, nông sản Việt chinh phục thị trường Senegal
Số liệu do Thương vụ Việt Nam tại Algeria cung cấp cho thấy, 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Senegal đạt 43,43 triệu USD, gần bằng cả năm 2024 (43,91 triệu USD). Trong đó, gạo chiếm tỉ trọng áp đảo với 25,67 triệu USD cho thấy tiềm năng to lớn của mặt hàng này tại quốc gia Tây Phi có nhu cầu nhập khẩu tới 1 triệu tấn gạo/năm, phần lớn là gạo 100% tấm.
Bên cạnh gạo, các mặt hàng khác cũng có mức tăng trưởng ấn tượng: Hạt tiêu đạt 6,8 triệu USD, rau quả 1,7 triệu USD… Điều này khẳng định năng lực cạnh tranh và mức độ phù hợp của nông sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng Việt Nam đối với thị trường Senegal.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chia sẻ mong muốn mở rộng hợp tác, đặc biệt với các đối tác có tiềm lực và thị trường ổn định như Senegal. Đại diện Hapro – một trong những tổng công ty thương mại lớn của Việt Nam cho biết mong muốn tìm đối tác nhập khẩu gạo và hàng nông sản. Hapro có nhà máy xay xát gạo đạt chuẩn tại Đồng Tháp và đang xuất khẩu đi hơn 70 thị trường quốc tế.
Tổng công ty Cổ phần Chè Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn hợp tác lâu dài với các doanh nghiệp Senegal trong lĩnh vực xuất khẩu chè đen và chè xanh . Trong khi đó, Công ty Nông sản Ngôi sao Phương Nam - doanh nghiệp khởi nghiệp với sản phẩm rau, quả sấy khô hữu cơ như bột rau má, bột tía tô cũng đang tìm kiếm cơ hội kết nối với các nhà phân phối, bán lẻ ở Senegal.
Từ phía Senegal, nhu cầu nhập khẩu hàng Việt rất đa dạng, bao gồm thực phẩm chế biến, vật tư học đường, bao bì, vật liệu xây dựng, đồ dùng gia đình… Một số doanh nghiệp thậm chí mong muốn trở thành đầu mối nhập khẩu chính thức các nhóm hàng từ Việt Nam để phân phối tại khu vực Tây Phi.
Theo ông Hoàng Đức Nhuận, để tăng cường hợp tác, ngoài việc tổ chức các hội nghị giao thương, cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến sâu rộng hơn như: Đưa đoàn doanh nghiệp hai nước tham dự hội chợ, triển lãm quốc tế tại nhau; tăng cường trao đổi thông tin về nhu cầu thị trường, đầu tư; phối hợp xác minh thông tin đối tác và hỗ trợ giải quyết các tranh chấp thương mại nếu phát sinh.
Đáng chú ý, Việt Nam và Senegal đã ký kết nhiều văn bản hợp tác tạo nền tảng pháp lý như Hiệp định khung về hợp tác kinh tế – thương mại – văn hóa – khoa học kỹ thuật và Thỏa thuận hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp hai nước từ năm 2012. Đây là điều kiện thuận lợi để hai bên đưa quan hệ hợp tác sang giai đoạn mới, chuyên nghiệp, có chiều sâu và thực chất hơn.
Vũ Phong