Cần bảo vệ và khôi phục loài hổ đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn thế giới. |
Mới đây, ngày 10/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo tham vấn cho Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ. Đây là một trong chuỗi các sự kiện hướng tới Hội nghị Thượng đỉnh về bảo tồn hổ sắp tới.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sáng kiến bảo tồn hổ toàn cầu (GTI) do Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert B. Zoellik, Viện Smithsonian, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và các quốc gia có hổ sinh sống khởi xướng vào tháng 6/2008, nhằm bảo tồn loài hổ đang bị đe dọa tuyệt chủng trên thế giới.
Là nước có hổ sinh sống, Việt Nam đã hưởng ứng sáng kiến này và đang có nhiều hoạt động tích cực hướng tới Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về hổ.
Dự thảo Chương trình Quốc gia về bảo tồn hổ được xây dựng với mục tiêu tổng quát đến năm 2020 “Quần thể hổ tự nhiên và thú mồi của chúng được phục hồi và phát triển ổn định trong các sinh cảnh được bảo vệ”. Các mục tiêu cụ thể bao gồm: Xác định khu vực ưu tiên bảo tồn hổ và củng cố công tác quản lý, bảo vệ; đảm bảo các hoạt động nuôi nhốt hổ không đe dọa đến quần thể hổ tự nhiên và hỗ trợ công tác bảo tồn hổ tự nhiên; tăng cường hiệu quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh và xử lý các tội phạm về hổ và động vật hoang dã; giảm thiểu đáng kể nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm từ hổ tại Việt Nam và tăng cường sự ủng hộ của các tầng lớp xã hội đối với công tác bảo tồn hổ tự nhiên.
Theo báo cáo, quần thể hổ hoang dã toàn cầu bị suy giảm nghiêm trọng trong vòng 1 thế kỷ qua, từ 100.000 xuống còn khoảng 3.000 con. Cũng theo thống kê Quỹ quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên, Việt Nam chỉ còn khoảng 30 cá thể hổ hoang dã hiện đang phân bố rải rác ở một số vườn quốc gia và khu bảo tồn. Theo báo cáo của Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an, số hổ nuôi nhốt hiện vào khoảng 95 con. |
Quốc Hà