Theo báo cáo “Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2024” vừa mới được công bố bởi StartupBlink, chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng tích cực vào năm 2024.
Cụ thể, thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2024 đã tăng hai bậc từ vị trí thứ 58 lên 56.
Xét trên khu vực Đông Nam Á, chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn duy trì vị trí thứ 5 và vị trí thứ 12 tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đứng thứ 31 toàn cầu về số lượng startup.
Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2024 được đánh giá là đạt được nhiều thành công, với sự phát triển ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, các lĩnh vực trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đang thu hút vốn nhiều từ nhà đầu tư bao gồm thương mại điện tử, công nghệ tài chính, công nghệ thực phẩm, giải pháp doanh nghiệp và dịch vụ công nghệ thông tin. Với các kỳ lân như MoMo và Sky Mavis, Việt Nam đang nổi lên như một cường quốc khởi nghiệp tại Đông Nam Á.
Đặc biệt, Đà Nẵng lần đầu tiên lọt vào top 1.000 thành phố có chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp cao nhất trên toàn cầu với vị trí thứ 896, cùng với TP. Hồ Chí Minh (vị trí thứ 111) và Hà Nội (vị trí thứ 157). Tại khu vực Đông Nam Á, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội giữ vững vị trí lần lượt là 6 và 7, trong khi Đà Nẵng đứng ở vị trí thứ 22. TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội lần lượt đứng ở vị trí thứ 2 và 7 trong khu vực Đông Nam Á và nằm trong top 100 toàn cầu về khởi nghiệp trong lĩnh vực Blockchain.
Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng rất lớn, nhờ vào quy mô phát triển của thị trường. Theo đó, các startup trong nước có thể đạt lợi nhuận ngay cả khi không mở rộng ra thị trường quốc tế, đặc biệt là khi Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các công ty lớn đang có ý định chuyển cơ sở sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc.
Các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với EU, Anh và nhiều quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương cũng làm tăng thêm sức hút của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Với các sáng kiến phù hợp, Việt Nam có thể tận dụng những lợi thế này để trở thành trung tâm sản xuất của khu vực và toàn cầu.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua việc xây dựng Trung tâm Đổi mới Quốc gia (NIC) (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để đóng góp vào các mô hình tăng trưởng dựa trên sự phát triển khoa học và công nghệ.
Các sáng kiến phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ bao gồm chương trình SpeedUP hỗ trợ vốn cho các startup tại Việt Nam, nền tảng trực tuyến Startupcity.vn, Chương trình Đối tác Đổi mới Việt Nam - Phần Lan, Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia (NATIF). Các tổ chức quốc tế như USAID và CARE cũng đang đóng góp lớn vào hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam thông qua các chương trình khác nhau…
Bên cạnh đó, các khoản đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, các ưu đãi thuế của chính phủ Việt Nam đã và đang thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài lớn. Dự kiến vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam sẽ đạt 5 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2025.
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC), mặc dù hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức nhưng tiềm năng của Việt Nam là rất lớn. Sự thay đổi tích cực trong Chỉ số Khởi nghiệp Toàn cầu 2024 chứng tỏ rằng Việt Nam đang đi đúng hướng.
“Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển và hoàn thiện hơn nữa trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Với sự hỗ trợ từ chính phủ, ngành công nghiệp tư nhân và các bên liên quan khác trong hệ sinh thái, tôi rất lạc quan về tương lai của các startup tại Việt Nam”, bà Hằng nhấn mạnh.
Theo VnEconomy