Đoàn Việt Nam tham dự Phiên trình bày do ông Nguyễn Đăng Thắng, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao làm Trưởng đoàn; Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Hướng Nam tham gia Đoàn.
Ngày 12/12, ông Nguyễn Đăng Thắng và PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, ứng cử viên của Việt Nam cho vị trí Thẩm phán Toà án Luật Biển quốc tế nhiệm kỳ 2026-2035, đã trình bày quan điểm của Việt Nam trước Toà.
Việt Nam đề nghị ICJ khẳng định các quốc gia có nghĩa vụ chống biến đổi khí hậu trên theo các điều ước quốc tế có liên quan như Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto, Hiệp định Paris, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, cũng như các nguyên tắc của tập quán quốc tế. Việt Nam khẳng định, để bảo vệ hệ thống khí hậu một cách hiệu quả, các quốc gia có nghĩa vụ ngăn ngừa tổn hại đáng kể đối với hệ thống khí hậu và nghĩa vụ hợp tác. Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nguyên tắc "trách nhiệm chung nhưng khác biệt" trong việc xác định nghĩa vụ các quốc gia. Theo đó, dù tất cả các quốc gia có trách nhiệm chung trong việc ngăn chặn các hành vi làm tổn hại đến môi trường và khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu, song việc thực hiện trách nhiệm này cần tính đến sự khác biệt trong lịch sử phát thải và năng lực của các quốc gia.
Phần lớn các bên tham gia Phiên trình bày chia sẻ quan điểm rằng các bằng chứng khoa học đều khẳng định mối quan hệ trực tiếp giữa mức độ xả thải cao và tác hại đáng kể đối với hệ thống khí hậu. Trên cơ sở đó, Việt Nam cho rằng các quốc gia đi đầu trong việc phát thải, đặc biệt là các nước phát triển, cần chấm dứt các hành vi gây thiệt hại đồng thời có nghĩa vụ khắc phục đối với các tổn thất đã gây ra. Trong quá trình này, các quốc gia đang phát triển chịu ảnh hưởng cần được tham vấn để xác định rõ nhu cầu và từ đó triển khai những biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp, hướng đến việc phục hồi nguyên trạng cũng như các nỗ lực để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua hỗ trợ tài chính, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ.
Nhân dịp này, Đoàn Việt Nam cũng đã có các cuộc làm việc với Toà Trọng tài thường trực (PCA) và Học viện Luật pháp quốc tế La Hay về các hoạt động hợp tác trong thời gian tới, tập trung vào việc hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực pháp lý quốc tế cho Việt Nam.
Trước đó, ngày 29/3/2023, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết số 77/276 đề nghị ICJ cho ý kiến tư vấn liên quan đến biến đổi khí hậu, xoay quanh hai câu hỏi: a) Nghĩa vụ của các quốc gia theo luật pháp quốc tế trong việc bảo vệ hệ thống khí hậu và môi trường trước việc phát thải khí nhà kính từ hoạt động của con người; b) Hệ quả pháp lý của việc các quốc gia hành động hay không hành động, dẫn đến tác động tiêu cực đến hệ thống khí hậu và môi trường.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia đầy đủ các thủ tục trong tiến trình xin ý kiến tư vấn của ICJ, khẳng định sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong tiến trình hội nhập pháp lý đa phương. Việt Nam là thành viên của Nhóm nòng cốt gồm 18 quốc gia do Vanuatu sáng lập để thúc đẩy việc thông qua Nghị quyết 77/276. Sau khi Nghị quyết được thông qua, Việt Nam đã phối hợp với Vanuatu và một số nước trong Nhóm nóng cốt thảo luận và tổ chức các hội thảo để nâng cao năng lực, hỗ trợ các nước ASEAN và châu Á-Thái Bình Dương trong quá trình xây dựng lập luận tại Tòa. Trước khi tham gia trình bày trực tiếp tại La Hay, Việt Nam đã lần lượt nộp Đệ trình quốc gia và Bình luận bằng văn bản tới ICJ để bày tỏ quan điểm chính thức đối với các câu hỏi được nêu trên trong Nghị quyết 77/276.
Theo Ban Thư ký ICJ, với hơn 90 quốc gia và tổ chức quốc tế nộp bản Đệ trình quốc gia và hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế tham gia Phiên Trình bày, tiến trình xin ý kiến tư vấn về biến đổi khí hậu là vụ việc có quy mô lớn nhất trong lịch sử hoạt động của Tòa, cho thấy kỳ vọng của các quốc gia về vai trò và đóng góp của ICJ trong nỗ lực ngăn ngừa và ứng phó với biến đổi khí hậu./.
BNG