In bài viết

Việt Nam tổ chức Hội nghị Nhóm chuyên gia về hành động mìn nhân đạo

(Chinhphu.vn) - Hội nghị Nhóm chuyên gia về hành động mìn nhân đạo lần thứ ba trong khuôn khổ ADMM+ (FTX 2016) lần này là dịp để giới thiệu với các đối tác và bạn bè quốc tế về công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh của Việt Nam.

29/10/2015 16:18
Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm về công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh . Ảnh: TTXVN

Hội nghị do Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng (Bộ Quốc phòng) tổ chức có chủ đề "Ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ trong môi trường nước và biện pháp khắc phục" đã triển khai kế hoạch hoạt động của nhóm chuyên gia ADMM về hành động mìn nhân đạo theo đúng lộ trình đã đề ra; tăng cường quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực hành động mìn nhân đạo giữa các nước thành viên ADMM trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: “Cũng như các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam là nước đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh. Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của nó vẫn tiếp tục tác động tới môi trường an ninh, dân sinh và điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt là khu vực miền Trung”.

Trải qua 40 năm sau chiến tranh nỗ lực tham gia vào hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình quốc gia về khắc phục bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh (Chương trình 504) với mục tiêu tập trung mọi nguồn lực của quốc gia, quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, bảo đảm an toàn cho nhân dân, giúp đỡ nạn nhân bom mìn hoà nhập đời sống xã hội.

Hội nghị Nhóm chuyên gia về hành động mìn nhân đạo lần thứ ba trong khuôn khổ ADMM (FTX 2016) lần này là dịp để giới thiệu với các đối tác và bạn bè quốc tế về công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh của Việt Nam; đồng thời góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vấn đề này.

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về tình hình ô nhiễm bom mìn trong môi trường nước (biển) và trao đổi kinh nghiệm về cách thức, biện pháp khắc phục vấn đề này, đồng thời đề xuất các sáng kiến hợp tác và những hoạt động tiếp theo.

Đoàn Việt Nam đã đề xuất một số sáng kiến được các nước đánh giá cao như: Nghiên cứu xây dựng trung tâm huấn luyện rà phá bom mìn (trên cạn, dưới nước, dưới biển) ở quy mô cấp khu vực; trao đổi chuyên gia; trao đổi nghiên cứu; hợp tác tổ chức và thực hiện các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học song phương và đa phương.

Trong chương trình hội nghị còn có triển lãm sản phẩm, công nghệ, trang thiết bị rà phá bom mìn tiên tiến; trình diễn rà phá bom mìn dưới nước; tham quan trường học (kết hợp giới thiệu về công tác giáo dục, tuyên truyền cho trẻ em về nguy cơ bom mìn và biện pháp phòng tránh) và truyền thông về hành động mìn nhân đạo.
Linh Anh