Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, trong tháng 1/2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Singapore với hầu hết các đối tác lớn đều phục hồi và tăng trưởng dương, một số đối tác có kim ngạch tăng mạnh như Thụy Sỹ (tăng 135,87%); Hong Kong (tăng 55,27%), Hàn Quốc (tăng 34,44%)...
Với Việt Nam, trong tháng 1/2024, Việt Nam vươn lên vị trí là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Singapore, với kim ngạch thương mại hai chiều hơn 2,9 tỷ SGD, tăng 18,08%.
Trong đó, Việt Nam là thị trường xuất khẩu thứ 8 của Singapore với kim ngạch 2,23 tỷ SGD, tăng 14,79% và là đối tác nhập khẩu đứng thứ 17/20 đối tác nhập khẩu lớn nhất của Singapore với kim ngạch 678,8 triệu SGD (tăng 30,34%).
Ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho rằng, trong cơ cấu hàng hoá từ Singapore xuất sang Việt Nam, hàng hoá có xuất xứ Singapore đạt 513,35 triệu SGD, giảm 9,85% và hàng hoá từ nước thứ ba qua Singapore xuất sang Việt Nam đạt 1,71 tỷ SGD (chiếm 77%), tăng 25,04%.
"Mặc dù mức thâm hụt thặng dư thương mại ước gần 1,55 tỷ SGD song nếu chỉ tính riêng cán cân thương mại giữa hàng hóa Việt Nam và hàng hóa có xuất xứ Singapore thì Việt Nam xuất siêu khoảng 165,49 triệu SGD", ông Thắng thông tin.
Về nhóm ngành hàng xuất khẩu, Thương vụ cho biết, trong tháng 1/2024, hầu hết các nhóm ngành hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang Singapore tăng trưởng dương, trong đó nhiều nhóm có mức tăng khá mạnh như: Sắt thép (tăng hơn 30 lần); muối, lưu huỳnh, đất và đá, thạch cao, vôi và xi măng (tăng 1,22 lần); dầu thực động vật và chất béo (tăng 85,32%).
Đáng chú ý, nhóm ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại tăng trưởng rất mạnh (đạt 255,2 triệu SGD tăng 50,62%).
Chiều ngược lại, nhóm ngành hàng Việt Nam nhập khẩu từ Singapore lớn nhất là: Máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại tăng 19,82% so với cùng kỳ và nhóm Lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy tăng 31,9% so với cùng kỳ.
Một số nhóm hàng còn lại đều đạt mức tăng cao (trên 20%), đặc biệt một số nhóm tăng rất mạnh như: Ngọc trai, đá quý, và các sản phẩm kim hoàn (tăng hơn 2,34 lần); thuốc lá và các sản phẩm thay thế thuốc lá (tăng hơn 1,7 lần); máy quang học, dụng cụ đo lường, thiết bị y tế, đồng hồ, nhạc cụ và phụ kiện các loại (tăng gần 1,6 lần)...
Phân tích, đánh giá về triển vọng hợp tác thương mại giữa Việt Nam - Singapore trong năm 2024, ông Cao Xuân Thắng cho biết, tình hình thương mại của Singapore với thế giới trong tháng đầu năm 2024 cho thấy tín hiệu khá tích cực khi tất cả các chỉ tiêu tổng kim ngạch 2 chiều và kim ngạch xuất nhập khẩu đều tăng tốt ở mức trên 2 chữ số (lần lượt là 14,06%, 16,74% và 11,06%). Tuy nhiên, triển vọng dài hạn trong cả năm 2024 vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn do Chính phủ Singapore vẫn rất thận trọng đối với các yếu tố tiêu cực vẫn kéo dài (ít nhất tới hết nửa đầu năm 2024).
Trong tháng đầu năm, 3 chỉ tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đều tăng mạnh và đạt mức cao nhất từ năm 2020 tới nay, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 (tăng 1 bậc) và là đối tác nhập khẩu thứ 17 (tăng 4 bậc) và đối tác xuất khẩu thứ 8 (tăng 2 bậc) của Singapore. Điểm tích cực là tốc độ tăng trưởng khá đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực, không chỉ tập trung vào các ngành mũi nhọn.
Trong năm 2024, để thúc đẩy đà tăng trưởng xuất khẩu sang Singapore, Thương vụ sẽ tiếp tục cập nhật tình hình, cơ chế, chính sách của địa bàn; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối giao thương, xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Singapore cũng như hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp Singapore vào Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng, xúc tiến đầu tư công nghiệp, thương mại và dịch vụ vào Việt Nam.
Phan Trang