Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành Công Thương diễn ra sáng 27/12. Ảnh: VGP/Phan Trang. |
Thông tin trên được Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành công thương diễn ra sáng nay (27/12).
“Xuất khẩu của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng cao trên 15% trong giai đoạn 2011-2019 và chính thức cán mốc kim ngạch 500 tỷ USD vào giữa tháng 12/2019. Kết quả này đã đưa Việt Nam tiếp tục duy trì thành tích xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp trong năm nay với mức xuất siêu gần 10 tỷ USD”, Bộ trưởng cho biết.
Theo đó, tính đến hết năm 2019, đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Đáng lưu ý, kết quả này theo Bộ Công Thương, đạt được trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm thấp do tác động của xung đột thương mại, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc. Xu hướng bảo hộ mậu dịch và việc các nước đang ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại.
"Đây là kết quả phản ánh sự nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Công Thương trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh tạo động lực cho doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất và xuất khẩu cũng như như thu hút mở rộng đầu tư cho phát triển xuất khẩu", Bộ trưởng cho hay.
Nhìn nhận hạn chế
Mặc dù đạt được thành tựu năm vừa qua nhưng Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vẫn thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong công tác điều hành, quy hoạch của Bộ Công Thương.
Hạn chế đầu tiên là công tác triển khai lập, điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực còn chậm so với yêu cầu của thực tiễn, nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ..., tạo áp lực tới yêu cầu bảo đảm cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trong những năm sắp tới.
Việc tái cơ cấu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao được sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn chậm. Chưa thực sự hình thành được hệ thống các ngành công nghiệp mũi nhọn thực sự đóng vai trò dẫn dắt cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước.
Công tác theo dõi, đánh giá và triển khai thực thi các cam kết hội nhập bước đầu đã có những đổi mới song vẫn còn những hạn chế. Sự chủ động và năng lực tham gia hội nhập của các doanh nghiệp trong nước ở một số lĩnh vực chưa cao. Nhiều cam kết hội nhập được đàm phán ký kết nhằm tạo cơ hội và tiền đề cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường cho doanh nghiệp trong nước chưa được tận dụng thực sự có hiệu quả.
Một vấn đề tương đối mới đó là mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn nhiều hạn chế, chưa tạo được mối liên kết phát triển giữa các ngành theo hướng hợp tác chuyên môn hoá phù hợp với cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó, mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa đi vào chiều sâu, đặc biệt là việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chưa tương xứng. Tiềm lực, sức cạnh tranh của khu vực kinh tế trong nước còn thấp, chưa tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Trật tự thị trường mặc dù được tăng cường kiểm soát nhưng tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại (kể cả trên môi trường internet) vẫn còn diễn biến phức tạp, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, lợi ích của người tiêu dùng mà tác động xấu tới tiến trình tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Hệ thống hạ tầng thương mại, bao gồm cả hạ tầng cho thương mại điện tử chưa phát triển đồng bộ, tác động tới việc khai thác tiềm năng phát triển của thương mại trong nước.
7 nhóm giải pháp trọng tâm
Đánh giá về kim ngạch xuất nhập khẩu năm tới, Bộ trưởng Công Thương cho rằng sẽ gặp thách thức không nhỏ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa chấm dứt; bảo hộ mậu dịch ngày càng phức tạp… Do vậy, công tác tham mưu, dự báo chính sách sát thực tế hơn là yêu cầu đặt ra hàng đầu.
Công tác tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế được Bộ trưởng nhấn mạnh và cụ thể hoá bằng việc tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến của ngành công thương.
Đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu trong ngành công thương theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gắn với ứng dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực hoạt động của ngành công thương. Trong đó xác định trọng tâm tái cơ cấu trong giai đoạn tiếp theo phải được đẩy nhanh thực hiện trên nguyên tắc chất lượng, lấy việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hiệu quả của đầu tư, khả năng tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi giá trị toàn cầu làm tiêu chí cho quá trình này.
“Bộ Công Thương sẽ tập trung cao độ vào giải quyết các vấn đề còn tồn tại nhằm bảo đảm nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước. Bảo đảm trong mọi tình huống không để xảy ra thiếu điện phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân”, Bộ trưởng cam kết.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nêu lên một loạt giải pháp căn cơ trong năm 2020 như: thực hiện đồng bộ và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, đồng thời tích cực chuẩn bị trong nước cho việc thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới; xử lý các vấn đề về xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường ngoài nước; nhanh chóng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại, gian lận xuất xứ…
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:
Nhìn nhận góc độ doanh nghiệp thấy Bộ Công Thương có nhiều chuyển biến tích cực trong những năm gần đây. Những chuyên gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do của Bộ Công Thương như “những con ong chăm chỉ, kiên cường” trong việc thuyết phục đối tác”.
Trước đây Bộ Công Thương từng được coi là bộ siêu quyền lực với rất nhiều điều kiện kinh doanh (năm 2016 có tới hơn 1.200 điều kiện kinh doanh), lĩnh vực quản lý có tính chất quyết định 60-70% GDP. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ Công Thương có nỗ lực rất lớn trong việc cải cách thể chế, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Mà sự chuyển biến này xuất phát từ sự tự nguyện, không phải áp lực từ mệnh lệnh cấp trên.
|
Phan Trang