Theo Báo cáo này, Việt Nam đã đạt kết quả ở mức trên trung bình về khả năng chuyển đổi sự phát triển kinh tế thành những nỗ lực cải thiện chất lượng sống cho người dân.
Cụ thể, Báo cáo chỉ ra, với chỉ số GDP đầu người (dựa trên cân bằng sức mua) mặc dù chỉ đạt gần 5.200 USD, nhưng Việt Nam lại thuộc nhóm các quốc gia có biểu đồ phát triển ổn định, có khả năng đạt chất lượng sống của người dân ngang bằng với các quốc gia có GDP tính theo đầu người trung bình là 10.000 USD.
Ông Chris Malone, thành viên hợp danh của Công ty BCG, chuyên gia tư vấn phát triển kinh tế tại Việt Nam cho biết: “Những kết quả này một lần nữa cho thấy, mặc dù phải nỗ lực trong điều kiện còn hạn chế, song Việt Nam đã có được những thành công đáng ghi nhận trong chuyển đổi tăng trưởng kinh tế thành chất lượng cuộc sống khi so sánh với các quốc gia có thu nhập cao hơn. Điều này đặc biệt có ý nghĩa nếu xem xét đến đà tăng trưởng kinh tế khá cao khoảng 7,1% mỗi năm trong giai đoạn 2006-2013” .
SEDA là một công cụ đánh giá về chất lượng cuộc sống của người dân các quốc gia dựa trên các số liệu khách quan, được thiết kế với mục đích trang bị cho các nhà lãnh đạo chính phủ một hướng nhìn mới về khái niệm chất lượng cuộc sống của người dân.
Công cụ SEDA đánh giá tính hiệu quả của việc chuyển đổi sự thịnh vượng về kinh tế, được đo bằng mức thu nhập, thành chất lượng cuộc sống của người dân.
SEDA cũng đo lường chất lượng cuộc sống người dân thông qua 3 yếu tố nền tảng, thể hiện trên 10 phương diện như: Sự ổn định kinh tế, y tế, quản trị nhà nước, các vấn đề môi trường…
Theo bảng điểm SEDA tổng thể và các hệ số theo quốc gia, Việt Nam xếp sau các nước Kyrgyzstan, Moldova và Nepal về Hệ số chuyển đổi mức thịnh vượng thành chất lượng cuộc sống.
Vũ Trọng