In bài viết

Việt Nam tuân thủ các khuyến nghị và thực hiện nghĩa vụ quốc tế trong phòng, chống rửa tiền

(Chinhphu.vn) – Sau 8 năm thi hành Luật Phòng, chống rửa tiền (PCRT), bên cạnh kết quả đạt được, đã bộc lộ một số hạn chế trong quá trình thực thi cũng như chưa hoàn toàn đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế về PCRT và đòi hỏi của thực tiễn, đòi hỏi sớm được sửa đổi theo trình tự, thủ tục rút gọn.

29/07/2021 16:23

Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền Phạm Tiên Phong. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tiên Phong, Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) xung quanh một số nội dung này.

5 nội dung lớn trong sửa đổi Luật PCRT

Được biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang có kế hoạch đệ trình Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền sau gần 8 năm thi hành, ông có thể cho biết thêm thông tin về kế hoạch này?

Ông Phạm Tiên Phong: Luật Phòng, chống rửa tiền (Luật PCRT) được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013, là văn bản pháp lý cao nhất về lĩnh vực phòng chống rửa tiền, quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền. Cùng với các quy định có liên quan của Bộ luật Hình sự 2009 (Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015) và các văn bản hướng dẫn đã tạo lập hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá đồng bộ, đầy đủ về lĩnh vực phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 37 của Luật PCRT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là đơn vị: “Chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền”, thời gian qua NHNN đã là đầu mối phối hợp với các bộ, ngành tổ chức, triển khai thực hiện Luật PCRT. Theo đó. Luật PCRT đã tạo nền tảng pháp lý quan trọng mang lại nhiều kết quả tích cực trong công tác PCRT. Tuy nhiên, kết quả tổng kết thi hành Luật PCRT cho thấy Luật PCRT và các văn bản hướng dẫn thi hành còn có một số hạn chế trong quá trình thực thi cũng như chưa hoàn toàn đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế về PCRT. Do đó, NHNN với vai trò là đầu mối hiện đang trong quá trình xây dựng, đề xuất trình Chính phủ, Quốc hội  kế hoạch sửa đổi Luật PCRT.

Theo quy trình xây dựng văn bản pháp luật được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật PCRT sửa đổi do NHNN là đầu mối dự thảo đã được lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan và đăng tải lấy ý kiến trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và nhận được sự đồng thuận cao của các đơn vị bộ ngành về sự cần thiết phải xây dựng Luật PCRT sửa đổi. Hiện nay, Bộ hồ sơ xây dựng Luật PCRT sửa đổi đang trong quá trình thẩm định để đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Những nội dung lớn được đưa ra trong đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền lần này là gì, thưa ông?

Ông Phạm Tiên Phong: Đề xuất xây dựng Luật PCRT (sửa đổi) nhằm hướng đến 5 nội dung chính.

Thứ nhất, mở rộng phạm vi loại hình đối tượng báo cáo trong công tác PCRT. Với mục tiêu tạo cơ sở pháp lý, xây dựng quy định pháp luật cụ thể, đầy đủ nhằm điều chỉnh ở phạm vi bao quát các loại hình đối tượng báo cáo có nguy cơ bị lợi dụng để rửa tiền qua đó có các biện pháp phòng ngừa, phát hiện các giao dịch, phương thức thông qua các đối tượng báo cáo để rửa tiền, qua đó nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa rửa tiền.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung các nội dung về đánh giá rủi ro về rửa tiền tạo hành lang pháp lý để triển khai định kỳ đánh giá rủi ro về rửa tiền quốc gia, ngành, lĩnh vực và tại từng đối tượng báo cáo. Bổ sung các yêu cầu về việc áp dụng phương pháp thanh tra, giám sát PCRT trên cơ sở rủi ro, qua đó, góp phần làm giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả công tác PCRT..

Thứ ba, hoàn thiện các quy định về các biện pháp phòng ngừa áp dụng đối với đối tượng báo cáo với mục tiêu tạo hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện cho đối tượng báo cáo thực hiện các biện pháp phòng ngừa rửa tiền; góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa rửa tiền.

Thứ tư, hoàn thiện các quy định để nâng cao hiệu quả hoạt động phòng, chống rửa tiền của NHNN với mục tiêu tạo hành lang pháp lý đầy đủ để NHNN thực hiện chức năng phân tích, xử lý, chuyển giao và trao đổi thông tin về PCRT, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động PCRT của Việt Nam.

Thứ năm, sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong PCRT với mục tiêu phân định rõ vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan trong công tác PCRT.

Sửa đổi luật để phù hợp với các chuẩn mực quốc tế

Công tác PCRT của Việt Nam đang hướng tới việc đáp ứng các yêu cầu của chuẩn mực quốc tế về PCRT, vậy việc sửa đổi Luật PCRT hướng tới mục tiêu này như thế nào?

Ông Phạm Tiên Phong: Một trong những căn cứ quan trọng để xây dựng và hoàn thiện pháp luật về PCRT là phải phù hợp với chuẩn mực quốc tế về PCRT. Bộ 40 9 khuyến nghị về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố được ban hành bởi Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) trước tháng 2/2012 được coi là chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực này và được cam kết áp dụng bởi hơn 200 quốc gia trên thế giới.

Luật PCRT năm 2012 được xây dựng cũng trên cơ sở phù hợp và đáp ứng các yêu cầu theo 40 9 khuyến nghị của FATF. Từ năm 2012 đến nay, FATF đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung các khuyến nghị nhằm đáp ứng các yều cầu mới phát sinh, nâng cao hiệu quả phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt (là Bộ 40 khuyến nghị). Nhiều nội dung bổ sung, sửa đổi của các khuyến nghị chưa được thể chế hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật về PCRT. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật PCRT trong thời gian tới sẽ nhằm hướng tới mục tiêu thể chế hóa cụ thể, toàn diện các yêu cầu của 40 khuyến nghị của FATF trong PCRT.

Xin ông cho biết lý do đề xuất áp dụng quy trình xây dựng Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với việc sửa đổi Luật PCRT?

Ông Phạm Tiên Phong: Tháng 5/2007, Việt Nam đã gia nhập và trở thành thành viên thứ 34 của Nhóm châu Á-Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG). Với tư cách là thành viên của APG, Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ các khuyến nghị của FATF và thực hiện các nghĩa vụ thành viên của APG quy định tại “Điều khoản tham chiếu của APG”, trong đó bao gồm cam kết tham gia vào chương trình đánh giá đa phương của APG.

Tháng 11/2019, trong khuôn khổ chương trình đánh giá đa phương của APG về cơ chế phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố của Việt Nam, Đoàn đánh giá của APG đã làm việc trực tiếp với các cơ quan, tổ chức liên quan của Việt Nam. Kết quả đánh giá sơ bộ đã được đưa ra trong dự thảo Báo cáo đánh giá đa phương của APG (dự thảo Báo cáo) cho thấy, mặc dù Việt Nam đã có những nỗ lực trong công tác phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, song mức độ tuân thủ và thực hiện các khuyến nghị mà FATF đề ra vẫn còn nhiều hạn chế.

Dự thảo Báo cáo đánh giá theo đó đã đưa ra các kiến nghị mà Việt Nam cần thực hiện để hoàn thiện hệ thống phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, trong đó có kiến nghị phải sửa đổi khung pháp lý của Việt Nam trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố cho phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Theo quy trình đánh giá đa phương, nếu không có ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Báo cáo đánh giá đa phương của Việt Nam đã được phê duyệt tại Hội nghị thường niên APG vào năm 2020. Theo đó, trong vòng 12 tháng tiếp theo, nếu Việt Nam không hoàn thành được các hành động mà APG kiến nghị trong Báo cáo đánh giá đa phương, FATF sẽ chỉ định cho Việt Nam một chương trình hành động đặc biệt, bao gồm các hành động nhằm giải quyết các thiếu hụt về khuôn khổ pháp lý như ban hành hoặc sửa đổi luật, ban hành các quy định mới hoặc bất kỳ biện pháp nào khác nhằm tuân thủ các chuẩn mực quốc tế; các hành động đẩy mạnh hiệu quả thực thi pháp luật; Việt Nam bắt buộc phải ký cam kết chính trị cấp Chính phủ về việc thực hiện Chương trình hành động này trong khoảng 12-18 tháng (cứ 4 tháng 1 lần, Việt Nam phải báo cáo cho APG/FATF về tiến độ thực hiện các hành động).

Nếu không hoàn thành được phần lớn các hành động trong Chương trình hành động đặc biệt của FATF, FATF sẽ xem xét đưa Việt Nam vào Danh sách công khai trên website của FATF. Trong trường hợp bị đưa vào Danh sách nêu trên đồng nghĩa với việc chi phí giao dịch vốn tăng, có thể ảnh hưởng tới quan hệ đại lý với các tổ chức tài chính của Việt Nam, tác động trực tiếp đến đầu tư vào Việt Nam và khả năng huy động vốn vay quốc tế của Việt Nam.

Do vậy, để đảm bảo kịp thời sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống rửa tiền đáp ứng các yêu cầu nêu trên, NHNN đã có phương án đề xuất cho phép áp dụng thủ tục rút gọn đối với việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống rửa tiền.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hiện báo cáo đánh giá đa phương của Việt Nam chưa được phê duyệt và thông qua. Do đó, thời gian để Việt Nam phải thực hiện các hành động khuyến nghị theo báo cáo đánh giá đa phương sẽ lùi lại, theo dự kiến vào cuối năm 2021. Do đó, để có thêm thời gian nghiên cứu, xây dựng dự thảo sửa đổi theo hướng hiệu quả, khả thi, NHNN hiện đang nghiên cứu, xem xét để có thể đề xuất xây dựng Luật PCRT theo quy trình đầy đủ mà không áp dụng quy trình rút gọn ./.

Lê Sơn (thực hiện)