In bài viết

Việt Nam ủng hộ các quy định Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982

(Chinhphu) - Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 14/7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu nội dung chính trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 trên cơ sở đề nghị của Philippines ngày 5/12/2014.

14/07/2016 19:40

Theo đó, Việt Nam ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, kể cả việc giải quyết mọi tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước bằng các biện pháp hòa bình.

Việt Nam bảo lưu các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các quyền, lợi ích tại các vùng biển được xác định theo Công ước.

Việt Nam mong rằng Tòa giải thích và áp dụng các quy định liên quan của Công ước trong vụ kiện để đưa ra phán quyết công bằng và khách quan.

Việt Nam đề nghị Tòa đặc biệt quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông và sẽ xem xét các bước đi tiếp theo để bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia.

Trả lời câu hỏi về việc ASEAN sẽ không ra tuyên bố chung về phán quyết của Tòa Trọng tài, ông Lê Hải Bình cho biết:

“Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước trong và ngoài khu vực.

Lập trường nhất quán của ASEAN là giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như nêu cao tinh thần đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong việc nỗ lực đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác”.

Cùng ngày, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Tổ chức Ân xá Quốc tế ra báo cáo về tình hình trại giam ở Việt Nam, Người Phát ngôn Lê Hải Bình nêu rõ các thông tin mà Tổ chức Ân xá Quốc tế đưa ra là hoàn toàn sai sự thật.

“Là thành viên của 7 điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người, trong đó có Công ước chống tra tấn. Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc và đầy đủ cam kết của một quốc gia thành viên.

Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 12/7, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố thực hiện hạ cánh máy bay dân sự xuống sân bay trên Đá Vành khăn và Xubi trên quần đảo Trường Sa và ngày 11/7, Bộ Giao thông Trung Quốc hoàn thành 4 ngọn hải đăng và động thổ thêm ngọn hải đăng thứ 5 trên đảo và bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định:

“Bất chấp sự phản đối của Việt Nam và quan ngại của cộng đồng quốc tế, những hoạt động nêu trên của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam là phi pháp và không thể thay đổi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động vi phạm chủ quyền Việt Nam, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và không có thêm các hành động làm phức tạp tình hình tại Biển Đông”.

Trước thông tin tàu hải quân Thái Lan nổ súng vào tàu cá của tỉnh Bến Tre khiến 2 ngư dân bị thương vào ngày 11/7, ông Bình cho biết theo thông tin từ các cơ quan chức năng, ngư dân Tô Hồng Ngọc - người được cho là mất tích - đã trở về địa phương an toàn.

Theo đề nghị sát sao từ phía Việt Nam, phía Thái Lan đã tích cực tìm kiếm ngư dân. Chiều 13/7, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok thông báo cho Thái Lan ngừng việc tìm kiếm.

Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan vẫn đang tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng của Thái Lan để làm rõ các thông tin liên quan khác, đồng thời tiếp tục có các biện pháp hỗ trợ, bảo hộ và giúp đỡ đối với công dân Việt Nam.

*Cũng trong cuộc họp báo chiều 14/7, Bộ Ngoại giao cho biết nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Cộng hòa Slovakia Robert Fico sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16-19/7.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Robert Fico sẽ trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai bên, nhất là trên các lĩnh vực như kinh tế thương mại, đầu tư, giáo dục và đào tạo.

Hai bên cũng sẽ trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Slovakia sẽ hội kiến lãnh đạo cấp cao Việt Nam, tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Slovakia được tổ chức tại Hà Nội cũng như tại TPHCM.

Thùy Dung