Chiều 27/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã làm việc với nhóm 6 ngân hàng phát triển sau khi ông được Thủ tướng phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi.
Các ngân hàng phát triển gồm: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).
Cùng dự buổi làm việc có các thành viên Ban Chỉ đạo về ODA và vốn vay ưu đãi; đại diện Đại sứ quán các nước cung cấp ODA cho Việt Nam.
Cuộc họp nhằm nhận diện những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn ODA và thảo luận về định hướng hợp tác ODA giữa Việt Nam và các nhà tài trợ trong thời gian tới.
Theo Bộ KH&ĐT, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi Việt Nam đã ký cho giai đoạn 2021-2023 đạt khoảng 3,35 tỷ USD. Các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện 656 dự án, gồm 47 dự án đầu tư, 215 dự án hỗ trợ kỹ thuật và phi dự án.
Tổng số vốn nước ngoài cấp phát từ Trung ương giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua là 300.000 tỷ đồng, trong đó số vốn được phân bổ là 270.000 tỷ đồng, còn 30.000 tỷ đồng là vốn dự phòng chung.
Năm 2023, tổng kế hoạch đầu tư công nguồn vốn nước ngoài được Quốc hội quyết nghị cấp phát là 29.000 tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân đạt 50,9% kế hoạch giao. Năm 2024, kế hoạch vốn nước ngoài là 20.000 tỷ đồng; ước tỷ lệ giải ngân đến ngày 29/2 đạt 1,42%.
Bộ KH&ĐT cho biết tình hình chuẩn bị, thực hiện và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa đạt yêu cầu và tiến độ cam kết do 9 nhóm nguyên nhân chính: (i) vướng mắc trong đàm phán, ký kết hiệp định vay; (ii) khác biệt về chính sách, quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ; (iii) công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế dự án và tiến hành thủ tục không bảo đảm yêu cầu về chất lượng và thời hạn; (iv) vướng mắc trong lập và giao kế hoạch; (v) vướng mắc về đấu thầu; (vi) vướng mắc về giải phóng mặt bằng và bố trí vốn đối ứng; (vii) vướng mắc về thủ tục giải ngân và thanh quyết toán; (viii), bất cập hạn chế về nguồn lực, năng lực của cơ quan chủ quản, chủ dự án và ban quản lý dự án; (ix) khó khăn do điều kiện khách quan thay đổi như sáp nhập huyện, xã.
Tại buổi làm việc, đại diện các nhà tài trợ đều đánh giá cao cơ chế họp giữa Ban Chỉ đạo với các nhà tài trợ; các quy định về ODA của Việt Nam ngày càng minh bạch hơn; sự phối hợp giữa Việt Nam và các nhà tài trợ ngày càng chặt chẽ hơn.
Các nhà tài trợ đều khẳng định cam kết tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam và sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ trong việc ban hành các quy định về quản lý, sử dụng vốn ODA; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải hài hoà hoá quy định của các nhà tài trợ với luật pháp của Việt Nam đối với các dự án ODA nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án.
Các nhà tài trợ đề nghị Việt Nam tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính; đẩy nhanh việc cho ý kiến trong quá trình chuẩn bị, triển khai dự án.
Phản hồi các ý kiến của các nhà tài trợ, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết Bộ KH&ĐT đã thiết lập các cơ chế làm việc với các nhà tài trợ như: Cơ chế trao đổi định kỳ với nhóm 6 ngân hàng có lượng vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam, trọng tâm là các dự án ở ĐBSCL; thành lập tổ công tác làm việc với Ngân hàng Thế giới; thiết lập cơ chế họp ban chỉ đạo chung định kỳ giữa các cơ quan của Việt Nam với các cơ quan của Liên Hợp Quốc; thường xuyên trao đổi gặp gỡ với các đối tác phát triển khi có yêu cầu.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng trong thời gian chờ điều chỉnh các quy định của luật một cách căn cơ, Việt Nam và các nhà tài trợ cần hợp tác chặt chẽ hơn để gỡ vướng mắc, khó khăn trong từng dự án bởi mỗi nhà tài trợ đều có quy định khác nhau.
Bộ KH&ĐT đã báo cáo Chính phủ về sửa đổi, bổ sung các quy định cho vay lại ODA; báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét ký hiệp định khung với WB và ADB về cơ chế chính sách chung về đấu thầu, giải phóng mặt bằng để báo cáo Quốc hội một lần thay vì báo cáo nhiều lần.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết sẽ sớm đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định trong các nghị định liên quan đến nội dung cân đối các nguồn vốn và thuế đối với nhà tài trợ.
Bộ Tài chính sẽ rà soát để loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết nhằm rút ngắn quy trình chuẩn bị, thông qua và triển khai dự án.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất điều chỉnh lại tỷ lệ cho vay lại ODA đối với các cơ sở giáo dục đại học tự thực hiện tự chủ bởi mức quy định như hiện nay khiến các trường gặp khó khăn do chỉ có một nguồn thu duy nhất là từ học phí.
Đại diện Bộ Ngoại giao đề nghị các nhà tài trợ xem xét lại yêu cầu phải ký hiệp định vay cấp Nhà nước trong khi luật Việt Nam giao quyền cho Chính phủ quyết định như một nỗ lực cùng Việt Nam hài hoà hoá thủ tục giữa hai bên.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nêu rõ các dự án ODA chậm do vừa phải tuân thủ các quy định của nhà tài trợ, vừa phải thuân thủ pháp luật Việt Nam, dẫn đến thủ tục nhiều, quá trình chuẩn bị dự án kéo dài, phải gia hạn, ký lại hiệp định.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng đánh giá cao các đối tác, nhóm 6 ngân hàng phát triển đã dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, góp phần giúp Việt Nam đạt được những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội to lớn trong thời gian vừa qua.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc Thủ tướng Chính phủ mới ký quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA cùng với việc tổ chức cuộc họp với các nhà tài trợ hôm nay thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Phó Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận thực tế những vướng mắc về phía Việt Nam nhiều hơn so với những vướng mắc từ phía các nhà tài trợ. Tuy nhiên, để triển khai một dự án ODA đòi hỏi Việt Nam phải cùng lúc thực hiện 2 bộ thủ tục để một mặt đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ, mặt khác phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, có sự khác biệt giữa quy định của các nhà tài trợ với pháp luật Việt Nam, vô hình trung trở thành trở ngại lớn cho Việt Nam, vì thế hai bên cần phối hợp chặt chẽ để chia sẻ, thấu hiểu và cùng nỗ lực hài hoà hoá thủ tục để hai bên cùng thắng khi rút ngắn được thời gian chuẩn bị và triển khai các dự án.
Về nhiệm vụ phía trước, Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT tổng hợp các ý kiến tại cuộc họp, tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành văn bản chỉ đạo giao nhiệm vụ cụ thể và thời hạn hoàn thành cho các bộ, ngành, địa phương đối với các nhóm việc: Sửa đổi, bổ sung quy định của ngành, lĩnh vực mình cho hợp lý; thực thi nhiệm vụ còn tồn đọng thuộc trách nhiệm của mình; yêu cầu các bộ, ngành coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, phải trách nhiệm hơn, đặc biệt là các thành viên của Ban Chỉ đạo.
Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị phải bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA; khi đề xuất dự án mới phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, nếu không kham nổi thì không đề xuất để tránh trả lại vốn.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ để thống nhất giải pháp khắc phục kịp thời khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong từng dự án.
Đối với các nhà tài trợ, Phó Thủ tướng mong muốn các nhà tài trợ xem xét cung cấp nguồn vốn với điều kiện ưu đãi hơn, thủ tục thông thoáng hơn, nhất là đối với các dự án chống biến đổi khí hậu, thiên tai vì Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu; có cơ chế đặc biệt cho các dự án ở vùng sâu, vùng xa của Việt Nam.
Các nhà tài trợ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam trong việc xây dựng danh mục cụ thể những dự án phù hợp với ưu tiên và nhu cầu cấp thiết của Việt Nam cho giai đoạn tới.
Phó Thủ tướng cho biết ông sẽ duy trì cơ chế họp định kỳ với các nhà tài trợ để hai bên thấu hiểu, chia sẻ, cùng nỗ lực hiện thực hoá mong muốn chung là đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Hải Minh