Ảnh: Chinhphu.vn |
Đó là những nội dung của Tọa đàm Việt Nam và Công ước Vienna về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm nay (11/5), tại Hà Nội.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mơ, Trường Đại học Ngoại thương dẫn một ví dụ: Một doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện một dự án mua thiết bị lớn và đã tìm được đối tác hợp lí của Đức. Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ cho đến khi tiến hành đàm phán hợp đồng thì doanh nghiệp của Đức yêu cầu áp dụng theo Luật của Đức, vì theo quy định của Đức có một số điều khoản ưu tiên bảo vệ bên bán. Do phía Việt Nam không chấp nhận nên việc thương thảo hợp đồng bế tắc.
Đây chỉ là một trong nhiều dẫn chứng về những xung đột pháp lý trong mua bán hàng hóa quốc tế. Theo bà Nguyễn Thị Mơ, nếu tìm hiểu, nghiên cứu kĩ pháp luật thương mại của các đối tác quốc tế thì các doanh nghiệp có thể tránh được những những ách tắc, hoặc những thiệt thòi vì thiếu hiểu biết pháp luật quốc tế.
Tuy nhiên, đối với đa số các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt những doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm hơn 90%), không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ năng lực, hoặc chi phí để nghiên cứu, nắm rõ hệ thống quy định thương mại của đối tác trong đàm phán, đặc biệt những dự án có nhiều nước (trên 2 nước) cùng tham gia.
Tại tọa đàm, đa số các đại biểu cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam nên tham gia CISG để được hưởng nhiều lợi ích. Đó là: Có thể tiết kiệm được chi phí, tránh được những tranh chấp trong việc lựa chọn áp dụng hợp đồng (giảm thời gian, chi phí đàm phán); các thương nhân Việt Nam sẽ không mất nhiều thời gian tìm hiểu đối tác, thuê tư vấn, tránh được những rủi ro tiềm ẩn do thiếu hiểu biết đầy đủ về luật và cách áp dụng luật của nước ngoài.
Hơn nữa, khi tham gia CISG Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi ích do văn bản thống nhất luật này mang lại, đó là giảm bớt xung đột pháp luật trong lĩnh vực mua bán hàng hoá quốc tế, tạo khung pháp luật thống nhất, hiện đại trong lĩnh vực mua bán hàng hóa.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Hằng, Giảng viên Đại học Ngoại thương: Sự thành công của Công ước Vienna được khẳng định trong thực tiễn với hơn 2.500 án lệ có liên quan (tức là các phán quyết, quyết định giải quyết các tranh chấp hợp đồng mà đã sử dụng các quy định của CISG).
Đáng chú ý là 2.500 án lệ này không chỉ phát sinh tại các quốc gia thành viên mà nhiều quốc gia không phải thành viên của CISG vẫn có thể dẫn chiếu khi giải quyết tranh chấp.
Như vậy Việt Nam có bất lợi gì khi tham gia CISG? Tiến sĩ Nguyễn Minh Hằng khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam không mất gì. Trước hết, không có vấn đề gì xung đột với các quy định thương mại vì các điều khoản trong CISG có phạm vi điều chỉnh chủ yếu là thương mại quốc tế, còn trong nước thì chúng ta vẫn áp dụng Luật Thương mại, Luật Dân sự. Khi tham gia CISG chúng ta không phải đóng chi phí tài chính nào, không phải báo cáo định kì, hay thành lập các cơ quan thực thi, chỉ cần đệ trình đơn lên Tổng thư ký Liên Hiệp quốc.
Ở góc độ nhà quản lý, ông Phạm Đình Thưởng, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương khẳng định sự cần thiết trong việc tham gia các điều ước quốc tế, chúng ta “không thể chơi tốt trên một sân bóng mà không biết luật”. Ông Thưởng chỉ rõ kết quả nghiên cứu là trên thế giới, các nước có tham gia các công ước quốc tế thường có kim ngạch xuất khẩu cao hơn các nứớc không tham gia và khẳng định: Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích khi tham gia CISG.
Được biết, sau khi lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, VCCI, Bộ Công thương sẽ sớm trình Chính phủ xem xét và quyết định việc gia nhập Công ước Vienna (CISG.)
Có hiệu lực từ ngày 1/1/1988, cho đến nay, CISG đã trở thành một trong các công ước quốc tế về thương mại được phê chuẩn và áp dụng rộng rãi nhất với 74 quốc gia thành viên, trong đó có các đối tác thương mại đặc biệt lớn như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Canada, Australia, Nhật Bản… CISG đang điều chỉnh khoảng 2/3 giao dịch thương mại thế giới và là Công ước về thương mại có diện áp dụng rộng rãi nhất. |
Huy Thắng