So với năm 2019 và 2020, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tụt 2 bậc (năm 2019 và 2020 xếp thứ 42). Nguyên nhân của việc tác động đến kết quả này là do số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam (tăng khoảng 36% so với năm 2020). Trong khi đó nhiều chỉ số thành phần được tính dựa trên tổng giá trị chia GDP (có 27 chỉ số trên tổng số 81 chỉ số sử dụng GDP để tính toán; trong đó 24 chỉ số sử dụng GDP làm mẫu số).
Tuy nhiên báo cáo ghi nhận, năm nay Việt Nam có sự cải thiện thứ hạng đầu vào của đổi mới sáng tạo - tăng 2 bậc (từ 62 lên 60) so với năm 2020 và giữ nguyên vị trí xếp hạng về đầu ra (thứ hạng 38).
Dữ liệu xếp hạng toàn cầu của Liên Hợp Quốc (LHQ) công bố ngày 20/9 cho thấy đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, đổi mới từ châu Âu và Bắc Mỹ sang châu Á.
Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2021 của WIPO thuộc LHQ cho thấy Hàn Quốc và Trung Quốc thăng hạng vượt trội. Theo đó, Hàn Quốc tăng 5 bậc lên vị trí thứ 5, trong khi Trung Quốc nhích 2 bậc lên vị trí thứ 12 và duy trì đà tiến vào Top 10. WIPO cho biết: “Đại dịch đã thúc đẩy sự chuyển dịch về mặt địa lý của các hoạt động đổi mới sang châu Á trong dài hạn, ngay cả khi Bắc Mỹ và châu Âu tiếp tục là khu vực có các quốc gia đổi mới hàng đầu thế giới”.
Top 4 quốc gia có chỉ số đổi mới sáng tạo cao nhất thế giới năm nay không thay đổi so với năm ngoái. Cụ thể, Thụy Sĩ dẫn đầu bảng trong năm thứ 11 liên tiếp, theo sau là Thụy Điển, Mỹ và Anh. Những cái tên còn lại trong Top 10 ngoài Hàn Quốc ở vị trí thứ 5 là Hà Lan, Phần Lan, Singapore, Đan Mạch và Đức.
Chỉ số của WIPO cho thấy các quốc gia và doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng cường đầu tư vào đổi mới, bất chấp cuộc khủng hoảng dịch COVID-19, nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế hậu đại dịch. Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang nhận định nhiều lĩnh vực đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kể, đặc biệt là những lĩnh vực đã tiến hành số hóa, ứng dụng công nghệ tân tiến và đổi mới.
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu là bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia, được WIPO phối hợp với Viện INSEAD, Pháp và Đại học Cornell (Mỹ) thực hiện.
Trong đánh giá của WIPO, đổi mới sáng tạo được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ dựa trên nghiên cứu, phát triển mà bao trùm cả trong tổ chức, thị trường. Cách tiếp cận này của tổ chức WIPO thể hiện quan điểm năng lực đổi mới sáng tạo của mỗi quốc gia có liên hệ mật thiết với trình độ phát triển và hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia đó và sự kết nối với các quốc gia/nền kinh tế khác.
An Bình