In bài viết

Viết tiếp bản hùng ca “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

(Chinhphu.vn) - Tối 15/12, tại Hà Nội, đã diễn ra Chương trình giao lưu nghệ thuật “Viết tiếp bản hùng ca”. Chương trình tái hiện lại những thời khắc rực lửa của 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” với niềm tự hào dân tộc, đồng thời khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần nỗ lực học tập và rèn luyện của thế hệ trẻ hôm nay.

16/12/2012 11:06

Chương trình giao lưu nghệ thuật "Viết tiếp bản hùng ca"-Ảnh: VGP/Liên Phương

Tại buổi giao lưu, khán giả được gặp gỡ những nhân chứng sống đã từng tham gia, chứng kiến những ngày không thể quên của chiến dịch Điện Biên Phủ trên không.

Theo Thượng tá Vũ Đình Rạng, nguyên phi công lái máy bay tiêm kích MIG 21, việc nghiên cứu cách đánh B-52 đã được Đảng và Bác Hồ xác định từ khá sớm và bộ đội không quân đã có thời gian tập đánh B-52 ở chiến trường khu 4. Mặc dù trong 12 ngày đêm, không quân Việt Nam không bắn rơi nhiều máy bay B-52 nhưng đã góp phần quan trọng vào chiến thắng. Bởi lẽ, mỗi khi máy bay B-52 phát hiện thấy MIG 21 trên bầu trời thì đội hình máy bay cũng dãn ra và mức độ gây nhiễu bị giảm đi, tạo điều kiện cho bộ đội tên lửa phòng không tiêu diệt B-52.

Bằng phương pháp bắn nửa góc, Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn Phòng không -Không quân 361 do Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn chỉ huy đã bắn rơi máy bay B-52 tại chỗ.

Chia sẻ về phương pháp bắn nửa góc, Đại tá Đinh Thế Văn cho biết, phương pháp bắn nửa góc đạt xác suất bắn rơi tại chỗ B-52 lên đến 90%. Tuy nhiên, giặc Mỹ đã dùng mọi thủ đoạn để làm cho tên lửa của ta không phát huy được cách đánh này bằng cách gây nhiễu dày đặc. Không chịu khuất phục, những người lính phòng không, không quân Việt Nam đã nghiên cứu kỹ những điểm mạnh, điểm yếu của máy bay B-52, từ đó tìm ra cách đánh bắn nửa góc hiệu quả, hạ rơi B-52 tại chỗ.

Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, những người trực tiếp lập công trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đều ở lứa tuổi 20, còn rất trẻ nhưng đã rất bản lĩnh, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khao khát tiêu diệt được B-52 của Mỹ.  

Trung úy Đinh Trọng Tuệ, Trưởng xe điều khiển Đại đội 1, Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, bày tỏ: “Các chiến sĩ ta ngày ấy còn rất trẻ nhưng đã làm được những điều phi thường như vậy, không có lý do gì mà chúng tôi, thế hệ trẻ ngày hôm nay không hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó”.

Trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12/1972, còn có cả một Hà Nội dù trong bom đạn vẫn “nở hoa”. B-52 có thể hủy diệt cả khu phố Khâm Thiên, làm sập Bệnh viện Bạch Mai, nhưng không ngăn được người Hà Nội sống, lao động, chiến đấu bằng bản lĩnh, trí tuệ và văn hóa của một Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên khi chia sẻ về những năm tháng không thể nào quên này cũng khẳng định, người Hà Nội đã sống và chiến đấu vô cùng anh dũng. Hà Nội vừa đánh giặc, vừa hát với tâm thế của những người chiến thắng dù cuộc chiến vẫn đang cam go.

Cũng trong buổi giao lưu, Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã trao cho đại diện Báo Quân đội nhân dân 500 triệu đồng học bổng “Vòng tay đồng đội” để tặng cho 100 cháu có hoàn cảnh khó khăn và học tập tốt là con em của cán bộ chiến sĩ thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân, Bộ đội Biên phòng và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Liên Phương