In bài viết

Vietjet nêu 3 kiến nghị tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân

(Chinhphu.vn) - Điều chỉnh quy hoạch phát triển hạ tầng các sân bay đang quá tải để không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế; có cơ chế cho tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng sân bay và mong được ứng xử bình đẳng là những kiến nghị của Hãng hàng không Vietjet tại diễn đàn đối thoại về kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam diễn ra trong hai ngày 2-3/5 tại Hà Nội.

02/05/2019 18:00
Bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Vietjet nêu 3 kiến nghị tại Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019. Ảnh: VGP/Phan Trang.

Những kiến nghị trên được bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Vietjet chia sẻ tại phiên toàn thể - đối thoại trực tiếp giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo doanh nghiệp với chủ đề “Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN theo nghị quyết 10-NQ/TW của hội nghị TW 5 khóa XII và nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ”.

Qua diễn đàn, Chủ tịch Vietjet đã gửi tới Chính phủ và Ban kinh tế Trung ương 3 kiến nghị chính. Theo đó, Vietjet đề nghị Chính phủ ưu tiên tập trung sớm điều chỉnh quy hoạch phát triển hạ tầng các sân bay đang quá tải làm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, đề nghị cho các tập đoàn tư nhân có tiềm lực tham gia đầu tư hạ tầng sân bay. Bà Nguyễn Thanh Hà khẳng định doanh nghiệp tư nhân đầu tư "có những dự án không đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế".

Bà Nguyễn Thanh Hà cũng nhấn mạnh doanh nghiệp tư nhân mong được ứng xử bình đẳng, công bằng của cơ quan quản lý và định hướng tuyên truyền khách quan, tích cực, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của toàn xã hội, ý chí của những doanh nghiệp tiên phong.

Bà Nguyễn Thanh Hà cũng cho biết, Vietjet là hãng hàng không tư nhân đầu tiên, với giấy phép số 01, mở đầu cho tư nhân đầu tư vào lĩnh vực hàng không theo chủ trương của Đảng và Chính phủ. Trong đó, các giao dịch mua máy bay lớn góp phần cân đối cán cân thương mại với các nước, khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

“Các quốc gia phát triển trên thế giới đều sở hữu đội máy bay hùng mạnh, chúng tôi muốn Việt Nam cũng có đội bay lớn và hiện đại. Chúng tôi phát triển liên doanh ở nước ngoài với màu cờ sắc áo Việt Nam. Chúng tôi đã có Thai Vietjet và đang hình thành liên doanh ở các nước khác”, bà Hà cho biết.

Theo thống kê quốc tế, cứ 1% tăng trưởng của Hàng không sẽ đồng hành tương ứng với 0,4 - 0,5% tăng trưởng GDP. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây ngành hàng không đều tăng trưởng bình quân 14 -15%, tương ứng với mức tăng GDP 6,8-7%/năm.

Năm 2018, Vietjet vận chuyển hơn 23 triệu lượt khách trong số 49,3 triệu khách của toàn ngành hàng không; thực hiện 118.923 chuyến bay an toàn với 66 đường bay quốc tế tới các nước Nhật Bản, Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia… . Tổng doanh thu năm 2018 đạt 52.135 tỷ đồng, Vietjet tiếp tục thuộc nhóm 50 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất cả nước với số tiền thuế, phí thu nộp ngân sách lên tới 6.193 tỷ đồng. Trong khi đó, công ty đã nhận được gần 60 máy bay trong đặt hàng nhưng vay nợ rất ít, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu chỉ có 0,39 lần. Vietjet tạo việc làm cho gần 4.000 lao động trình độ cao đến từ hơn 30 nước và hàng chục nghìn việc làm gián tiếp.

PT