Viettel Cloud sở hữu hạ tầng trung tâm dữ liệu nhất Việt Nam với 13 trung tâm, quy mô hơn 9.000 rack trên 60.000 m2 mặt sàn. Tới năm 2025, Viettel Cloud sẽ được đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng để mở rộng quy mô lên 17.000 rack.
Theo lộ trình, tới năm 2030, Viettel sẽ nâng mức đầu tư lên 40.000 tỷ đồng với quy mô 34.000 rack. Toàn bộ hạ tầng trung tâm dữ liệu tuân thủ, đạt các tiêu chuẩn quốc tế ANSI/TIA-942-B:2017 Rated-3 Constructed Facilities - tiêu chuẩn dùng để đánh giá tất cả các khía cạnh của trung tâm dữ liệu vật lý bao gồm vị trí, kiến trúc, an ninh, an toàn chống cháy, điện, cơ khí và viễn thông.
Viettel Cloud sở hữu năng lực kết nối siêu băng rộng với đường trục cáp quang lớn nhất Đông Dương, 5 tuyến cáp quang biển quốc tế với dung lượng lớn nhất Việt Nam và hơn 500.000 km cáp quang phủ khắp 63 tỉnh, thành phố.
Viettel Cloud có công nghệ bảo mật, tin cậy đạt chuẩn quốc tế với các chứng chỉ ISO, tiêu chuẩn bảo mật cho thương mại điện tử và là đơn vị duy nhất tại Việt Nam đạt chứng chỉ AICPA SOC1, 2, 3 của Viện Kế toán công chứng Hoa Kỳ (AICPA). Đặc biệt, Viettel là doanh nghiệp hàng đầu có kinh nghiệm triển khai các sản phẩm đạt an toàn thông tin cấp độ 4.
Viettel Cloud cũng sở hữu đội ngũ kỹ sư, chuyên gia về điện toán đám mây tại Việt Nam với quy mô trên 500 nhân sự cùng gần 1.000 nhân sự công nghệ thông tin, quản trị mạng và an toàn thông tin. Đội ngũ đã có kinh nghiệm triển khai và vận hành khai thác hệ thống viễn thông và công nghệ thông tin ở mức toàn cầu, tại 10 quốc gia trên thế giới cùng các quy trình vận hành chuẩn quốc tế khắt khe nhất. Viettel Cloud cam kết dịch vụ sẵn sàng hoạt động ở mức tối thiểu 99,9%.
Viettel Cloud áp dụng các công nghệ hiện đại bao gồm các mã nguồn mở OpenStack, Kubernetes, Ceph, Prometheus, Grafana với các phiên bản triển khai ổn định và mới nhất, hỗ trợ cho cộng đồng, tổ chức công nghệ có thể sử dụng một cách linh hoạt các thao tác nghiệp vụ.
Đội ngũ kỹ sư Viettel Cloud cũng trực tiếp xây dựng, làm chủ và đóng góp các mã nguồn mở này.
Hệ sinh thái sản phẩm Viettel Cloud đa dạng và quy mô lớn, với tổng hơn 70 sản phẩm dịch vụ trải rộng từ các dịch vụ ở mức hạ tầng vật lý như cho thuê chỗ đặt, cho tới các nền tảng dịch vụ như các AI platform (Nền tảng trí tuệ nhân tạo) và IoT platform (Nền tảng Internet vạn vật).
Hệ sản phẩm này gồm 5 nhóm: Cloud Infrastructure - Hạ tầng điện toán đám mây, Cloud Platform - Nền tảng đám mây, Cloud Software - Ứng dụng đám mây, Managed Services - Tư vấn, triển khai vầ vận hành, Colocation - Trung tâm dữ liệu.
Tại buổi lễ, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel khẳng định, Viettel cam kết mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi tổ chức và doanh nghiệp sẽ có một kho dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây của Viettel. Viettel cam kết sẽ phổ cập điện toán đám mây như cách mà chúng tôi đã thực hiện nhiều cuộc cách mạng để mỗi người dân có một chiếc điện thoại di động; mỗi người dân có một chiếc điện thoại smartphone; để cáp quang về đến tận cửa nhà của mỗi hộ gia đình Việt Nam.
Theo Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, muốn xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số phải dựa trên hạ tầng số. Hạ tầng viễn thông băng rộng và hạ tầng điện toán đám mây được coi là hạ tầng chính của hạ tầng số. Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao năng lực hệ thống, năng lực triển khai hạ tầng Cloud của Viettel, ghi nhận những nỗ lực của Viettel luôn thực hiện nghiêm túc, sáng tạo chiến lược Make in Việt Nam".
Trong định hướng phát triển nền kinh tế số, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% các cơ quan sử dụng điện toán đám mây, 70% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp Việt cung cấp. Với hệ sinh thái Cloud của Viettel, không chỉ mở ra cơ hội phát triển cho hạ tầng các nền tảng số, mà ở đó chủ quyền số quốc gia cũng được bảo đảm từ doanh nghiệp Việt Nam.
HM