Chia sẻ về hệ sinh thái điện toán đám mây mà Viettel mới ra mắt, Giám đốc Công nghệ Viettel Cloud Lê Quang Hiếu cho biết, thị trường cloud Việt Nam hiện nay chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài. Tuy nhiên, việc dữ liệu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam nằm ngoài lãnh thổ tiềm ẩn những rủi ro lớn, nên việc đảm bảo chủ quyền trên không gian mạng là điều bắt buộc.
10 năm trước, viễn thông và các dịch vụ liên quan tới viễn thông truyền thống là động lực tăng trưởng chính của Viettel. Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ của số hóa và công nghệ, Viettel nhận thấy tầm quan trọng của việc tìm một tương lai mới, một không gian mới để phát triển hơn. Đó cũng là lúc Viettel đưa ra triết lý, sứ mệnh là tiên phong kiến tạo xã hội số.
Tuy nhiên, để kiến tạo xã hội số thì điều đầu tiên cần có là hạ tầng số. Giống với hạ tầng viễn thông, vốn là nền móng cho một giai đoạn phát triển rực rỡ, hạ tầng số cũng sẽ đóng vai trò thiết yếu cho một tương lai bùng nổ. Trong hạ tầng số, điện toán đám mây chính là yếu tố quyết định.
"Nghị quyết đại hội Đảng Tập đoàn Viettel đã đưa ra chủ trương, chiến lược là tiên phong kiến tạo xã hội số. Hệ sinh thái cloud là một trong 4 trụ để kiến tạo lên xã hội số ấy. Từ hạ tầng số, chúng tôi sẽ tiến tới nền tảng số, dịch vụ số và những thứ khác để tiến tới thay đổi toàn diện, từ mặt con người, dịch vụ và đến 2030 sẽ có xã hội số", Giám đốc Công nghệ Viettel Cloud chia sẻ.
Việc chuyển đổi số còn là nhiệm vụ quan trọng của Viettel. Việt Nam đã có Luật An ninh mạng, trong đó yêu cầu toàn bộ dữ liệu của Việt Nam phải được lưu trữ và xử lý tại chính Việt Nam.
Từ sứ mệnh của Tập đoàn, cùng với tầm nhìn chiến lược của bộ, ban ngành, Chính phủ nhằm đảm bảo chủ quyền trên không gian mạng, Viettel đã chính thức cho ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud. Hệ sinh thái này đóng gói những ứng dụng đã phát huy tốt vai trò trong các yêu cầu nội bộ của Tập đoàn, cung cấp cho toàn bộ người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Việt Nam có thể sử dụng.
Trên thực tế, các dịch vụ cloud không phải sản phẩm mới của Viettel. Xét về bản chất, các đơn vị, tổng công ty của Viettel đã triển khai các giải pháp, ứng dụng công nghệ dựa trên điện toán đám mây từ những năm 2017-2018. Tuy nhiên, đó chỉ là các sản phẩm sử dụng nội bộ, phục vụ nhu cầu riêng của từng đơn vị.
Cụ thể, dịch vụ điện toán đám mây của Viettel Telecom dành cho khối khách hàng cá nhân, hộ gia đình, khách hàng nhỏ. Viettel Solutions dành cho khách hàng là doanh nghiệp lớn, các cơ quan quản lý. Dịch vụ của Viettel Post là giao vận, còn Viettel Cyber Sercurity thì chuyên hỗ trợ trong lĩnh vực an ninh mạng.
"Thay vì chia thành các ‘ốc đảo’ mà mỗi đơn vị, tổng công ty phải loay hoay phát triển, hiện nay, tất cả được quy tụ dưới hệ sinh thái Viettel Cloud. Với hạ tầng dùng chung, tối ưu nguồn lực về mặt chi phí, Viettel sẽ cung cấp dịch vụ tốt hơn, nhanh hơn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là các khách hàng ngoài Viettel", ông Lê Quang Hiếu cho biết.
Trong số các doanh nghiệp Việt, hạ tầng điện toán đám mây do Viettel IDC cung cấp đã chiếm vị trí số 1 về thị phần. Tuy nhiên, với một hệ sinh thái cloud do chính Tập đoàn Viettel dẫn đầu, cuộc chơi sẽ lớn hơn, quy mô hơn và công nghệ Việt cũng sẽ có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các "gã khổng lồ" công nghệ toàn cầu trên chính sân nhà.
Bản thân ông Hiếu cũng cho rằng, hệ sinh thái cloud của Viettel vẫn còn khoảng cách so với công nghệ mà các gã khổng lồ toàn cầu cung cấp. Tuy nhiên, Viettel Cloud cũng có những lợi thế đặc biệt.
Đó là, việc các ứng dụng được đóng gói, chạy trên cùng một hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dùng là khối bộ, ban, ngành, khối doanh nghiệp và cả hộ gia đình.
Bên cạnh đó, việc sở hữu hạ tầng viễn thông hàng đầu khu vực của Viettel giúp bảo đảm kết nối của khách hàng diễn ra liên tục, nhanh chóng và không chịu tác động từ các sự kiện như đứt cáp quang biển quốc tế. Ngoài ra, các ứng dụng này đều đã được "may đo" theo nhu cầu của chính các khách hàng Việt.
Lấy ví dụ một khách hàng doanh nghiệp muốn có những ứng dụng liên quan tới xuất hóa đơn, với hệ sinh thái Viettel Cloud, khách hàng chỉ cần lên trang, chọn và click thì ngay lập tức sẽ có ứng dụng về hóa đơn điện tử tuân theo những quy định của Thông tư 78 của Bộ Tài chính. Nếu Google hay Amazon muốn làm điều tương tự, họ sẽ phải mất nhiều thời gian để xin cấp phép.
Về mặt an ninh, các tiêu chuẩn của Việt Nam khác so với trên thế giới. Tiêu chuẩn quốc tế đã khá cao, nhưng khi về Việt Nam, chúng ta đặt ra thêm các yêu cầu về tiêu chuẩn bảo mật. Ở Việt Nam, Viettel đã đạt chứng nhận bảo mật an toàn thông tin cấp độ 4 dành cho Chính phủ và Viettel có thể phục vụ khối khách hàng bộ, ban, ngành, các cơ quan Nhà nước.
Hiện tại, 80% thị phần điện toán đám mây ở Việt Nam đang nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Điều đó cũng đồng nghĩa dữ liệu người dân, của doanh nghiệp Việt được lưu trên các hạ tầng bên ngoài lãnh thổ. Từ thực tế đó, Viettel đặt thách thức cho chính mình trong việc triển khai hạ tầng quy mô đủ lớn, cùng với các chiến lược để bình dân hóa dịch vụ điện toán đám mây để người dân, doanh nghiệp sẵn sàng chuyển dữ liệu từ nước ngoài về. Còn khối nhà nước tăng cường chuyển đổi số với sản phẩm công nghệ "Make in Vietnam".
"Tôi mong các cơ quan quản lý có nhiều hỗ trợ hơn nữa về mặt chủ trương để Viettel có thể đẩy mạnh hơn nữa mảng dịch vụ điện toán đám mây phục vụ chính nhu cầu của khách hàng Việt", Giám đốc Công nghệ Viettel Cloud Lê Quang Hiếu chia sẻ.
HM