Năm 1991, Vinamilk thực hiện cuộc "cách mạng trắng” về việc tạo lập vùng nguyên liệu sữa tươi đồng thời thực hiện chiến lược phát triển dài hạn và bền vững. |
Trong quá trình phát triển của Vinamilk, phải nhắc tới những bước chuyển căn bản như đầu tư vùng nguyên liệu từ sớm (đầu những năm 1990), tiến hành tái cấu trúc Vinamilk (2003), đưa Công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (2006), quyết định đầu tư và ngừng đầu tư trong lĩnh vực bia, cà phê (giai đoạn 2005-2010).
Khát vọng và quyết tâm vươn tầm quốc tế
Nuôi dưỡng giấc mơ nhỏ thành khát vọng lớn, Vinamilk là một điển hình tiêu biểu, là động lực to lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam có khát khao vươn tầm thế giới. Cơ hội xuất khẩu đã đến với Vinamilk bắt đầu từ chuyến đi đầy sóng gió sang Iraq của bà Mai Kiều Liên năm 1997.
Sau đó, sản phẩm sữa của Vinamilk dần có mặt tại các nước Trung Đông và các thị trường khó tính EU và Bắc Mỹ, xuất khẩu nhờ đó tăng dần qua từng năm.
Nhận định cơ hội giao thương quốc tế đang ngày càng rộng mở sau khi Việt Nam gia nhập WTO và Hiệp định TPP được ký kết, Vinamilk không chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu sản phẩm mà tiếp tục lấn sâu vào thị trường nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Năm 2015, Vinamilk mua lại 100% cổ phần của công ty sữa Driftwood tại Mỹ, Nhà máy Miraka (New Zealand), nhà máy Angkor Milk tại Campuchia và phát triển hệ thống công ty con tại một số nước. Đồng thời tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường sang châu Âu, châu Phi và Nam Mỹ…
Với lợi thế chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, sản phẩm sữa Vinamilk hiện đã có mặt tại trên 43 nước, tăng trưởng xuất khẩu liên tục qua các năm. Doanh thu của Công ty tăng từ 6.700 tỷ đồng năm 2006 lên 45.000 tỷ đồng năm 2016, tăng trưởng khoảng 20%/ năm. Nộp ngân sách Nhà nước từ 550 tỷ đồng năm 2006 lên 4.000 tỷ đồng năm 2016. Trên thị trường chứng khoán, Vinamilk hiện là Công ty niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất đạt 9 tỷ USD, tương đương 200.000 tỷ đồng.
Từ những robot biết tự thay pin
Điểm nổi bật của Vinamilk là sử dụng công nghệ tích hợp và tự động hiện đại Tetra Pak (Thụy Điển). Dựa trên giải pháp tự động hóa Tetra Plant Master, nhà máy sữa Việt Nam hoạt động kết nối và tích hợp từ nguyên liệu đầu vào cho đến đầu ra thành phẩm; có thể điều khiển mọi hoạt động bên trong nhằm theo dõi và kiểm soát chất lượng liên tục.
Điểm nhấn của giải pháp này là tất cả hệ thống thiết bị, máy móc, nhất là các robot LGV2 đều vận hành tự động. Chúng có thể tự thay pin tại các máy sạc pin tự động mà không cần sự can thiệp của con người. Bên cạnh đó, Vinamilk còn triển khai hệ thống kho thông minh hàng đầu Việt Nam, với 20 ngõ xuất nhập, gồm 17 tầng giá đỡ, sức chứa 27.168 lô hàng, tương đương với 1.630.000 thùng sữa.
Để chủ động và ổn định nguồn nguyên liệu đồng thời nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của sữa nước, Vinamilk đã và đang đầu tư hệ thống phát triển nguồn nguyên liệu bằng cả hai cách: chủ động đầu tư trang trại nuôi bò sữa, và liên kết với các hộ nông dân trong cả nước để thu mua sữa.
Nếu sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của một số doanh nghiệp lớn phụ thuộc khá nhiều vào giá bán, thì Vinamilk lại nổi bật nhờ vào công suất nhà máy liên tục mở rộng và sản lượng tiêu thụ tăng nhanh, kéo theo doanh thu năm sau lúc nào cũng cao hơn năm trước.
Vinamilk đã nỗ lực không ngừng để đảm bảo cùng một lúc 3 vấn đề cốt lõi: chất lượng – giá cả – phong cách phục vụ. Có thể khẳng định rằng, Vinamilk là doanh nghiệp trong nước nhưng về công nghệ sản xuất và chế biến thì không thua bất cứ một doanh nghiệp nào trên thế giới.
Đổi mới sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm
Từ những năm đầu mới thành lập, Vinamilk gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn về máy móc thiết bị, công nhân kỹ thuật, nguyên liệu cho sản xuất phải nhập khẩu hoàn toàn trong khi Vinamilk không chủ động được nguồn ngoại tệ... Bài toán làm thế nào để có thể phục hồi và duy trì sản xuất, tiếp cận nguồn nguyên liệu giá rẻ tiến tới chủ động nguồn nguyên liệu, từ đó giảm giá thành sản phẩm luôn làm Ban lãnh đạo công ty đau đầu.
Để vượt qua khó khăn, nhiều phong trào thi đua nội bộ đã được Vinamilk phát động với những tên gọi khác nhau, nhưng tất cả đều mang một ý nghĩa nhằm phát huy tính tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ cách làm. Và bước đi đó đã mang lại những đóng góp to lớn giúp Vinamilk tìm ra giải pháp vượt qua tình thế khó khăn.
Trong đó, phải nhắc đến kết quả ấn tượng từ Phong trào “Thi đua hiến kế tìm nguồn nguyên liệu, phục hồi sản xuất, đưa doanh nghiệp phát triển lớn mạnh và bền vững”. Từ phong trào thi đua này, lãnh đạo công ty đã đưa ra chiến lược chủ động liên kết với công ty xuất nhập khẩu Seaprodex lấy ngoại tệ nhập nguyên liệu, từ đó mở rộng sản xuất tăng tích lũy nhằm đổi mới công nghệ.
Cũng trong thời gian này đội ngũ cán bộ kỹ thuật Việt Nam cùng với đội ngũ khoa học trong nước của Viện khoa học, các trường đại học Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TP.HCM đã mạnh dạn hồi phục nhà máy, tiết kiệm cho Nhà nước 2,7 triệu USD - một khoản ngoại tệ rất lớn lúc bấy giờ so với phương án của các công ty nước ngoài đề xuất. Đây cũng là dấu mốc quan trọng có tính bước ngoặt của Vinamilk về khoa học công nghệ.
Cuộc “cách mạng trắng” về nguyên liệu tại nguồn
Năm 1991, Vinamilk thực hiện cuộc "cách mạng trắng” về việc tạo lập vùng nguyên liệu sữa tươi đồng thời thực hiện chiến lược phát triển dài hạn và bền vững. Cuộc cách mạng đã góp phần nâng tầm Vinamilk lên một vị thế mới, trở thành doanh nghiệp tiên phong với hệ thống trang trại trải dài khắp các vùng miền đất nước với quy mô công nghiệp hiện đại nhất tại thời điểm năm 2006. Toàn bộ hệ thống trang trại được xây dựng khép kín, tự động hóa với giống bò được tuyển chọn kỹ lưỡng nhằm đem đến năng suất sữa cao nhất.
Đến năm 2015, thành quả của cuộc “cách mạng trắng” đã giúp Vinamilk chủ động được 50% nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất.
Hiện tại, Vinamilk đang sở hữu hệ thống 10 trang trại chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam và đều đạt chứng nhận Global GAP – tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu. Với kế hoạch phát triển các trang trại, tổng đàn bò cung cấp sữa cho Vinamilk đã lên tới 120.000 con, với sản lượng khoảng 800 tấn sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày. Dự kiến, tổng đàn bò sẽ được nâng lên 200.000 con vào năm 2020, với sản lượng sữa tươi nguyên liệu dự kiến tăng lên gấp đôi.
Trách nhiệm với cộng đồng, xã hội
Song hành với những thành tựu nổi bật trong sản xuất, kinh doanh, Vinamilk còn là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam thực hiện mục tiêu vì sức khỏe cộng đồng, tổ chức nhiều chương trình thiết thực, ý nghĩa, góp phần giúp trẻ em Việt Nam có cơ hội phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ để có một tương lai tươi sáng hơn.
Bên cạnh các hoạt động vì thế hệ măng non, Vinamilk còn thường xuyên tổ chức trực tiếp thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho những gia đình ở vùng khó khăn, tham gia phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng…
Những chiến dịch hướng về cộng đồng cũng là một trong những vũ khí hiệu quả giúp Vinamilk tạo ra những lợi thế cạnh tranh và khác biệt thực sự của thương hiệu trong lòng người tiêu dùng.
Điểm cuối cùng, bà Mai Kiều Liên từng chia sẻ: “Bí quyết là ở yếu tố con người. Tại Vinamilk, chúng tôi có một đội ngũ nhân lực mà tôi cho rằng sẽ ít doanh nghiệp nào có được. Họ gắn bó với Vinamilk từ hàng chục năm nay, kể từ công nhân, kỹ sư, quản lý, lãnh đạo. Sau khi tốt nghiệp đại học, họ về làm với Vinamilk từ vị trí thấp, sau đó thăng tiến dần dần lên vị trí cao hơn.”
Thành công của Vinamilk hôm nay chính là sự khẳng định mạnh mẽ về tầm quan trọng của một chiến lược đầu tư hợp lý và chính xác.
CEO Đặng Đức Thành
Tổng Giám đốc Học viện khởi nghiệp thành công (ISS)
Ủy viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)