Chuỗi hội thảo diễn ra từ ngày 23/3 đến hết ngày 19/4, do các nhà khoa học là thành viên Hội đồng giải thưởng, Hội đồng sơ khảo chủ trì cùng sự tham gia của các chủ nhân giải VinFuture mùa đầu tiên.
Chương trình được tổ chức theo 6 múi giờ khác nhau trên toàn cầu, nhằm đưa thông tin trực tiếp nhất tới các nhà khoa học, thu hút các đề cử, thúc đẩy tính đa dạng ở mọi khu vực tiềm năng.
Bên cạnh giải đáp các thắc mắc về quá trình nộp dự án, các nhà khoa học từng được giải mùa 1 cũng chia sẻ cảm xúc tại sự kiện.
Giải thưởng khoa học - công nghệ toàn cầu 2022 (VinFuture) bắt đầu nhận đề cử từ ngày 16/2 với chủ đề "Tái thiết và Hồi sinh" - hướng tới các phát minh, sáng kiến khoa học có thể thúc đẩy quá trình tái thiết thế giới sau đại dịch COVID-19 và phát triển bền vững.
Đến nay, mùa thứ hai đã nhận được sự hưởng ứng từ cộng đồng khoa học thế giới với sự tham gia của hơn 1000 tổ chức, cá nhân là đối tác đề cử mới, đến từ 81 quốc gia trên toàn cầu. Trong số đó, cộng đồng khoa học châu Á đang đóng góp nhiều đối tác đề cử nhất với 34%, theo sát là châu Mỹ với 33%, châu Âu 22%, châu Úc 6% và châu Phi là 5%.
VinFuture là Giải thưởng toàn cầu thường niên dành cho các phát minh khoa học công nghệ đột phá, đã, đang hoặc có tiềm năng tạo ra thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của con người. Trong mùa giải đầu tiên, VinFuture nhận được gần 1.200 đăng ký giới thiệu đề cử đến từ 6 châu lục trên thế giới chỉ sau hơn 4 tháng mở cổng tiếp nhận đề cử. Từ 599 đề cử được chọn, VinFuture mùa đầu tiên vinh danh 4 công trình có tính ứng dụng cao, tạo ra thay đổi tích cực cho cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới.
Giải thưởng chính trị giá lớn nhất (3 triệu USD) được trao cho 3 nhà khoa học gồm Katalin Kariko, Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Cullis (Canada) với công nghệ mRNA, mở đường tạo ra các loại vaccine ngăn ngừa COVID-19 hiệu quả.
Ba giải còn lại được trao cho các hạng mục: "Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới"; "Nhà khoa học nữ" và "Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển".
Thu Cúc