In bài viết

Vinh danh Hồ Xuân Hương cũng là tôn vinh trí tuệ, nhân văn, bác ái của người Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Cho rằng Hồ Xuân Hương - một Danh nhân văn hóa mang tầm vóc nhân loại, là nhà thơ mang tầm vóc một Thi hào, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao UNESCO đã rất chính xác khi trao sứ mệnh vinh quang cho nữ sĩ Hồ Xuân Hương: sứ mệnh truyền cảm hứng và lan tỏa ảnh hưởng tích cực đến mọi người trên thế giới.

04/12/2022 05:50
Vinh danh Hồ Xuân Hương cũng là tôn vinh trí tuệ, nhân văn, bác ái của người Việt Nam - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ

Tối 3/12, tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh (Nghệ An), tỉnh Nghệ An và Tổ chức UNESCO tổ chức Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm sinh (1772-2022), 200 năm mất (1822 - 2022) của nữ sỹ Hồ Xuân Hương.

Tham dự có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart; lãnh đạo một số địa phương và các vị khách quốc tế; lãnh đạo tỉnh Nghệ An cùng đông đảo nhân dân trong tỉnh.

Tại buổi lễ, ông Christian Manhart – Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam đã trao Nghị quyết tôn vinh nữ sĩ Hồ Xuân Hương cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An.

Hồ Xuân Hương - Danh nhân văn hóa mang tầm vóc nhân loại

Phát biểu tại lễ vinh danh và kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết Hồ Xuân Hương quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Làng Quỳnh nơi quê hương bà là nơi sản sinh những ông nghè, ông cống lừng danh thiên hạ. Còn Thăng Long nơi bà sinh ra, lớn lên là chiếu đô của nhiều triều đại, nơi hội tụ tinh hoa bốn phương.

Chính những điều đó đã hun đúc trong bà những tư chất đặc biệt, những lớp phù sa văn hóa, liên tục được bồi đắp và lớn lên trong một bối cảnh lịch sử đất nước đầy biến động, sự thay ngôi, đổi triều…

Hồ Xuân Hương là bậc nữ sỹ kỳ tài, là một hiện tượng đặc sắc của nền văn học trung đại Việt Nam. Thơ của bà ẩn chứa nhiều vấn đề sâu sắc, phức tạp, nhiều đột phá và rất mới mẻ; vừa đậm chất phong tình vừa mang tinh thần phản kháng mạnh mẽ, thể hiện một tư tưởng nhân văn, nhân bản mang tính nhân loại sâu sắc với hạt nhân là đấu tranh đòi quyền sống, quyền yêu đương, hạnh phúc cho con người, trước hết là người phụ nữ.

"Bà chúa thơ Nôm" sống trong bối cảnh lịch sử đất nước nhiều biến động, vai trò nữ giới không được đề cao. Do đó, tiếng nói vang dội nhất trong thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói đấu tranh đòi nữ quyền; dám trực diện đấu tranh cho quyền của phụ nữ, phản kháng quyết liệt và chia sẻ tận cùng với những số phận bất hạnh của nữ giới trong xã hội phong kiến. Nhưng, trong thơ của bà vẫn ẩn chứa bên trong sự dịu dàng, đoan trang, tinh tế nhưng mạnh mẽ và kiên cường của người phụ nữ Việt Nam truyền thống.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói: "Hồ Xuân Hương là một hiện tượng văn hóa đặc biệt. Nhận ra một Hồ Xuân Hương như vậy là cả một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu nghiêm túc, công phu, không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn cả ở phạm vi khu vực và quốc tế. Với UNESCO, cứ liệu tham khảo có vai trò quan trọng hàng đầu là giá trị văn hóa do một nhân vật nào đó tạo ra phải có ý nghĩa nhân loại và được thừa nhận rộng rãi trên phạm vi quốc tế. Từ góc nhìn này, người ta thấy gì về đóng góp của nữ sĩ Hồ Xuân Hương? Người ta nhận thấy Hồ Xuân Hương là 'một người phụ nữ gây kinh ngạc với tính cách tự do và vượt ra ngoài chính thống'. Tất cả đã làm nên sức sống mạnh mẽ, tạo thành dòng chảy liên tục, được lưu truyền và lan tỏa sâu rộng trong tâm thức người đọc cả trong nước và ngoài nước suốt mấy trăm năm qua và chắc chắn sẽ còn tiếp diễn bền lâu trong tương lai. Hồ Xuân Hương xứng đáng trở thành danh nhân văn hóa, một tác gia lớn của Việt Nam và thế giới".

Cho rằng Hồ Xuân Hương - một Danh nhân văn hóa mang tầm vóc nhân loại, là nhà thơ mang tầm vóc một Thi hào, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao UNESCO đã rất chính xác khi trao sứ mệnh vinh quang cho nữ sĩ Hồ Xuân Hương: sứ mệnh truyền cảm hứng và lan tỏa ảnh hưởng tích cực đến mọi người trên thế giới.

Vinh danh Hồ Xuân Hương cũng là tôn vinh trí tuệ, nhân văn, bác ái của người Việt Nam - Ảnh 2.

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart trao Nghị quyết vinh danh Danh nhân Hồ Xuân Hương của UNESCO cho Việt Nam

Tự hào, tôn vinh những cống hiến to lớn của bà đối với văn hóa Việt Nam và văn hóa nhân loại, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đó cũng là để tìm trong di sản của bà những kinh nghiệm và bài học quý báu cho sự phát triển của địa phương và đất nước trong tương lai. Tiếp nối và phát huy truyền thống văn hóa lịch sử dân tộc, học hỏi từ những di sản văn hóa của các bậc tiền nhân và cũng là thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hoá toàn quốc do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì vào tháng 11/2021 vừa qua.

Khẳng định giá trị tốt đẹp trong cốt cách con người Việt Nam

"Chúng ta tôn vinh nữ sỹ Hồ Xuân Hương chính là tôn vinh phẩm hạnh và trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam truyền thống", Chủ tịch nước nói. Đồng thời, chúng ta cũng thấy được những nỗ lực, phấn đấu của Đảng và Nhà nước ta cho quyền lợi và sự công bằng đối với người phụ nữ thông qua việc phát huy sự đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập, tự do và xây dựng đất nước, cũng như những vị trí quan trọng của người phụ nữ Việt Nam trong đội ngũ các nhà lãnh đạo đất nước, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức ở mọi thế hệ.

Việc UNESCO công nhận, tôn vinh những giá trị và ý nghĩa nhân văn cao đẹp, trường tồn trong tư tưởng, nhân cách Hồ Xuân Hương cũng chính là tôn vinh nét đẹp trong tâm hồn, trí tuệ, nhân văn, bác ái của con người Việt Nam. Điều này thêm lần nữa khẳng định, những giá trị tốt đẹp trong cốt cách con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam đã và đang hoà chung dòng chảy văn hoá nhân loại cũng như làm giàu hơn, phong phú hơn cho Văn hóa thế giới.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nghệ An, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ hơn tầm cao tư tưởng, giá trị nghệ thuật các trước tác của nữ sỹ Hồ Xuân Hương; tiếp tục giới thiệu, quảng bá các tác phẩm của bà chúa thơ Nôm đến rộng rãi công chúng trong và ngoài nước, phát huy giá trị văn hóa Hồ Xuân Hương trong giai đoạn mới.

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý nhấn mạnh, trải qua trên hơn 200 năm xuất hiện trên văn đàn, Hồ Xuân Hương luôn mang đến sự cuốn hút mạnh mẽ cho độc giả, các nhà nghiên cứu, nhà phê bình danh tiếng trong nước và quốc tế. Thơ của Hồ Xuân Hương đã được dịch ra hơn 10 thứ tiếng khác nhau trên thế giới, được đưa vào giảng dạy, nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài. Con người và thơ Hồ Xuân Hương đã đi vào văn thơ, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, hội họa, được dân gian hóa, được nhân dân gìn giữ và lưu truyền.

Ông Thái Thanh Quý khẳng định tỉnh Nghệ An hết sức tự hào có thêm một người con của quê hương là nữ sỹ Hồ Xuân Hương được UNESCO ban hành nghị quyết vinh danh và cùng tham gia kỷ niệm; khẳng định sự ảnh hưởng cốt cách, giá trị tác phẩm của bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương đã vươn tầm thế giới, được quốc tế thừa nhận và tôn vinh, văn đàn thế giới đã ghi tên thêm một danh nhân văn hóa của Việt Nam là Hồ Xuân Hương bằng tất cả sự trọng thị và mến mộ.

Sau khi trao nghị quyết cho Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch và tỉnh Nghệ An, phát biểu tại Lễ vinh danh và kỷ niệm, ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, cho biết hồ sơ đề nghị của Việt Nam đã được nhiều quốc gia thành viên ủng hộ và đã thuyết phục được 193 thành viên của UNESCO, bởi nữ sỹ Hồ Xuân Hương là một trong những nữ nhà thơ tiêu biểu của châu Á và điều đặc biệt là trong lúc sinh thời bà đã thể hiện tư tưởng vượt qua thời đại, một nhà hoạt động vì bình đẳng giới từ những ngày đầu.

Đây chính là điểm nhấn trong bối cảnh xã hội ở thế kỷ 18, 19 và vì vậy bà chính là người theo đuổi những lý tưởng và ưu tiên mà sau này đã trở thành sứ mệnh của UNESCO.

Trước đó, chiều 3/12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn; tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ tại Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn, huyện Đô Lương.