In bài viết

Vĩnh Long tăng cường nghiên cứu khoa học gắn với sản xuất và đời sống

Theo ông Hà Văn Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN): Giai đoạn 2011-2015, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, tạo bước chuyển biến nhanh về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống nhân dân. Đồng thời, tỉnh hình thành cơ chế gắn kết giữa nghiên cứu với sản xuất kinh doanh; lựa chọn các đề tài nghiên cứu, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đổi mới công nghệ và áp dụng các tiêu chuẩn quản lý quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường trang trị phương tiện cho các cơ sở nghiên cứu, kiện toàn hệ thống trạm, trại thực nghiệm, đảm bảo tổ chức thực nghiệm cho nghiên cứu khoa học và kiểm định tại một số đơn vị trọng điểm. Các nội dung chủ yếu trong phát triển khoa học-công nghệ của tỉnh 5 năm tới được tập trung vào các lĩnh vực: ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; phát triển tiềm lực khoa học công nghệ; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học v

03/01/2012 13:43
Thời gian qua, trong số các đề tài khoa học của tỉnh Vĩnh Long ứng dụng có hiệu quả vào phục vụ sản xuất và đời sống, phải kể đến đề tài “Triển khai nhân rộng mô hình trồng cà chua ghép và nghiên cứu một số biện pháp phòng ngừa bệnh khảm trên cà chua” của kỹ sư Nguyễn Hữu Dùng, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Đề tài đã xây dựng, hoàn thiện quy trình kỹ thuật ghép, trồng cà chua có khả năng kháng chịu bệnh tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Từ kết quả này, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã đẩy mạnh phổ biến kỹ thuật, tổ chức sản xuất và cung cấp 500.000 cây cà chua ghép cho nông dân trong và ngoài tỉnh, lợi nhuận bình quân đạt 10 triệu đồng trên 1.000 m2. Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho hơn 500 nông dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp, đưa cây màu xuống ruộng nhằm tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác.
Cùng đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân trong tỉnh còn có các đề tài như: “Chọn tạo giống lúa thơm cho vùng lúa đặc sản tỉnh Vĩnh Long”, “Nghiên cứu khảo nghiệm và cung cấp giống đầu dòng cho mạng lưới nhân giống lúa tỉnh Vĩnh Long” và “Tuyển chọn các giống lúa cực sớm năng suất chất lượng cao, thích nghi với các điều kiện canh tác khác nhau tỉnh Vĩnh Long”. Các đề tài đã cung cấp thêm những bộ giống lúa thơm, giống lúa ngắn ngày năng suất chất lượng cao, phù hợp cho vùng lúa đặc sản, các vùng sinh thái và điều kiện canh tác khác nhau. Các giống lúa thơm triển vọng từ kết quả nghiên cứu của các đề tài như: VL 2, OM 6162, OM4900, OMCS 2009... đã được nông dân đánh giá cao và áp dụng trên diện tích hơn 400 ha, từng bước thay thế dần giống lúa IR 50404. Các giống lúa này cũng góp phần cùng ngành nông nghiệp đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng giống lúa xác nhận cho nông dân, nâng cao sản lượng lúa toàn tỉnh đạt trên 1 triệu tấn trong năm 2011.
Đến nay, sở KHCN Vĩnh Long đã nghiệm thu và ứng dụng kết quả 48 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh vào sản xuất, đời sống. Nội dung các đề tài đều tập trung vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh nói chung và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn nói riêng; việc chuyển giao các thành tựu KHCN tiên tiến, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học, cải tiến, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh; ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển nông nghiệp bền vững và nghiên cứu xác định sản phẩm chủ lực của tỉnh... Điển hình như các đề tài: Nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển công nghệ sinh học tỉnh Vĩnh Long đến năm 2015; Mô hình cơ quan hành chính cấp tỉnh, UBND cấp huyện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2000; Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện mô hình cung cấp thông tin tiến bộ KHCN tại một số xã vùng nông thôn và mở rộng mô hình cung cấp thông tin tiến bộ KHCN tại hợp tác xã và câu lạc bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long; Nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu canh tác trên đất 3 vụ lúa... Tùy vào mức độ, tính chất, hiệu quả khác nhau trên từng lĩnh vực, các đề tài đã tham gia giải quyết kịp thời các nhu cầu bức thiết nảy sinh trong sản xuất, đời sống, nâng cao hiệu quả đầu tư sản xuất cho doanh nghiệp và hộ dân; đồng thời góp phần chuyển giao và nâng cao tri thức người dân, nâng cao năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu cho cán bộ khoa học trong tỉnh.
Phạm Minh Tuấn