In bài viết

Vĩnh Phúc: Linh hoạt vận dụng Nghị quyết 128 phù hợp thực tiễn

(Chinhphu.vn) - Nghị quyết 128/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành là cơ sở để UBND các tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc mạnh dạn đưa ra biện pháp hành chính phù hợp nhằm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Để hiểu rõ hơn về triển khai Nghị quyết này tại địa phương, phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

16/10/2021 13:26
Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Nghị quyết 128 mở ra hướng tiếp cận mới trong chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng

Nghị quyết 128 của Chính phủ vừa ban hành về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” quy định lại các cấp độ dịch cũng như các biện pháp phòng chống dịch, hoạt động sẽ 'đóng' hoặc 'mở' tùy theo cấp độ dịch từng cấp, từ xã trở lên. Ông có đánh giá như thế nào về Nghị quyết này?

Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” áp dụng thống nhất trong toàn quốc. Có thể thấy rằng, Nghị quyết 128 mở ra hướng tiếp cận mới trong chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.

Nghị quyết 128 được ban hành với mục tiêu cao nhất được Chính phủ nhấn mạnh là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.

Trong Nghị quyết, Chính phủ quán triệt các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt, bảo đảm hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế-xã hội. Trong đó, có 6 nguyên tắc cơ bản được đề ra để thực hiện chiến lược mới, bao gồm: Y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức của người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.

Với Nghị quyết mới của Chính phủ, nhiều hoạt động kinh tế-xã hội sẽ được nới lỏng hơn so với trước đây. Trong đó, thay đổi lớn nhất phải kể đến việc tất cả các địa phương sẽ tạm thời không áp dụng Chỉ thị 15, 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều hoạt động, cơ sở kinh doanh sẽ được mở cửa hoạt động trong điều kiện có dịch, nhưng phải bảo đảm an toàn và các yếu tố phòng chống dịch. Ngoài ra, Nghị quyết cũng quy định cụ thể các biện pháp áp dụng theo 4 cấp độ dịch đối với một số hoạt động của tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp.

Rõ ràng, Nghị quyết 128 phù hợp với thực tiễn chống dịch hiện nay. Với cơ chế, quy định mới này sẽ giúp cho tỉnh Vĩnh Phúc khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế. Trên cơ sở Nghị quyết 128 của Chính phủ, tỉnh Vĩnh Phúc đang chuẩn bị những kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới trên tinh thần vừa bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục phát triển kinh tế-xã hội. Tỉnh sẽ triển khai áp dụng theo hướng dẫn của Chính phủ, các bộ ngành; đồng thời sẽ linh hoạt vận dụng các góc độ “mở” của Nghị quyết 128 phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.

Với địa phương, Nghị quyết 128 mới chỉ là “kim chỉ nam”. Mỗi địa phương cần phải có kế hoạch triển khai các chính sách cụ thể, phù hợp với điều kiện của địa phương mình. Vậy tỉnh đã và đang xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ như thế nào?

Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Năm 2021, dù dịch COVID-19 xuất hiện trở lại trên địa bàn tỉnh từ cuối tháng 4/2021 với biến chủng mới, có tốc độ lây lan nhanh, song với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, dịch bệnh tại Vĩnh Phúc nhanh chóng được kiểm soát. Thời điểm hiện tại, đã hơn 80 ngày tỉnh Vĩnh Phúc chưa có ca nhiễm mới ngoài cộng đồng. Hiện tỉ lệ tiêm vaccine phòng, chống COVID-19 vẫn được tỉnh triển khai quyết liệt. Ngành y tế tỉnh cũng đang bảo đảm sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 ở mọi tình huống.

Nghị quyết 128 giúp các địa phương, trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục chủ động, linh hoạt trong công tác chỉ đạo chống dịch COVID-19, vừa phù hợp với tình hình địa phương, vừa thống nhất với chủ trương chung của toàn quốc, đặt nền móng để triển khai một cách thiết thực và hiệu quả chiến lược chống dịch từ “không có COVID-19” sang “sống chung an toàn với COVID-19”. Tỉnh Vĩnh Phúc xác định tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện bảo đảm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo chủ trương, chiến lược mới của Trung ương. Đồng thời xây dựng các văn bản hướng dẫn tạm thời thực hiện một số giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Để triển khai nhanh chóng Nghị quyết 128 của Chính phủ, ngày 15/10, Vĩnh Phúc đã công bố tình hình dịch bệnh ở cấp 2 - nguy cơ trung bình, căn cứ theo quy định thích ứng an toàn COVID-19 của Chính phủ và Bộ Y tế. Có thể nói, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đầu tiên công bố cấp độ thích ứng an toàn COVID-19 (bằng văn bản).

Theo đó, tỉnh nới lỏng nhiều biện pháp phòng chống dịch, yêu cầu người dân không tập trung quá 50 người nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; khi tham gia hoạt động thể thao ngoài trời. Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động gồm: Điểm du lịch, di tích và danh thắng; cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú; sân golf; dịch vụ spa,…

Người dân từ địa bàn cấp 1, 2 đến Vĩnh Phúc phải tiêm đủ liều vaccine (có chứng nhận thẻ xanh hoặc giấy chứng nhận), F0 khỏi bệnh.

Các cơ sở kinh doanh thể dục thể thao trong nhà mở cửa nhưng không quá 30 người một ca. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thư viện, triển lãm, chiếu phim, bảo tàng và các cơ sở văn hóa khác, giải đấu thể thao... cũng được hoạt động, với điều kiện không quá 50% công suất. Nhà hàng ăn uống mở cửa nhưng không quá 70% công suất; đóng cửa trước 23h hằng ngày. Cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ khác hoạt động bình thường, tuân thủ biện pháp phòng dịch.

Với hoạt động vận tải, tỉnh yêu cầu chủ phương tiện phải quản lý hành khách bằng mã QR. Taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe buýt được hoạt động bình thường.

Xe khách tuyến cố định, từ Vĩnh Phúc đến các tỉnh cấp độ 1 và 2 hoạt động bình thường; đến các tỉnh cấp 3, chỉ chở không quá 50% công suất (số chuyến hoặc số chỗ trên xe), có giãn cách trên xe. Quy định giãn cách trên xe không áp dụng với xe giường nằm; tạm dừng xe khách chạy đến tỉnh cấp độ 4. Xe khách đi qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, nếu từ tỉnh cấp 1, 2 được phép dừng đỗ, đón trả khách; xe từ tỉnh cấp độ 3 và 4 không được dừng đón trả khách…

Hiện, tỉnh vẫn duy trì cách ly tập trung 14 ngày, sau đó theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi cư trú 14 ngày với người về từ vùng dịch cấp độ 3, 4; xét nghiệm 3 lần. Tuy nhiên, việc cách ly tập trung cần được cá nhân người thuộc diện cách ly đồng ý.

Các dịch vụ vẫn tạm dừng gồm lễ hội, karaoke, vũ trường, quán bar, massage, quán internet, trò chơi điện tử.

Tỉnh sẽ triển khai Nghị quyết này đến cơ sở như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành ngay 2 quyết định gồm: Quyết định ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 128 của chính phủ (là quyết định khung, mang tính dài hạn) và Quyết định công bố chính thức việc phân loại cấp 2-nguy cơ trung bình như đã nêu ở trên.

Từ quy định chung của Chính phủ, dựa trên Nghị quyết này, các Bộ cần nhanh chóng có hướng dẫn cụ thể để các địa phương đưa ra giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Có thể thấy, Nghị định thích ứng an toàn COVID-19 của Chính phủ "rất rõ ràng, cụ thể, bao quát cao". Vì vậy, Vĩnh Phúc sẽ sớm triển khai "quyết liệt và sáng tạo".

Trân trọng cảm ơn ông!

Kim Liên (thực hiện)