In bài viết

Vĩnh Phúc phát triển lưới điện thông minh và công tơ điện tử đo xa

(Chinhphu.vn) – Thời gian qua, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc (PC Vĩnh Phúc) là một trong những đơn vị dẫn đầu của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phát triển lưới điện thông minh và hệ thống dữ liệu từ xa công tơ điện tử.

27/09/2017 19:10

Cán bộ điện lực Vĩnh Phúc theo dõi tình trạng vận hành lưới điện từ trung tâm điều độ. Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Thay thế 61.000 công tơ điện tử đo xa

Theo ông Lê Đức Thuận, Phó Giám đốc PC Vĩnh Phúc: Từ năm 2013 đến nay, theo định hướng và chỉ đạo của EVN, Tổng công ty Điện lực miền Bắc về phát triển lưới điện thông minh, Công ty đã thay thế tập trung công tơ điện tử tại khu vực thành phố, thị xã. Đến nay đã có 61.000 công tơ khách hàng của 273 TBA công cộng tại TP. Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên được thay thế bằng công tơ điện tử RF và thực hiện ghi chỉ số qua hệ thống đo xa tự động. 

Năm 2016 Công ty nghiệm thu đưa vào vận hành chính thức hệ thống đo xa tại 750 điểm đo của các khách hàng có TBA chuyên dùng bán điện 3 giá, được ghi chỉ số tự động bằng công nghệ GPRS/3G. Đến tháng 7/2017, Công ty tiếp tục hoàn thành thay thế, lắp đặt mới 1.243 công tơ điện tử 3 giá có chức năng đo xa bằng công nghệ GPGS/3G cho các TBA công cộng và chuyên dùng bán điện 1 giá trên địa bàn. 

Theo đánh giá của PC Vĩnh Phúc, việc ứng dụng công tơ điện tử vào đo đếm điện năng giúp ích cho cả hai bên mua và bán điện. Với tính năng tiên tiến, công tơ điện tử RF và hệ thống đo xa tự động AMR cho PC Vĩnh Phúc triển khai đã mang lại nhiều lợi ích cho phía khách hàng dùng điện như: Biết được phụ tải thực tế đang sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; dễ phát hiện xảy ra rò điện tại các thiết bị sử dụng lâu năm, chất lượng cách điện bị suy giảm, qua đó ngăn ngừa tai nạn điện trong nhà khách hàng; dễ dàng giám sát được chỉ số và điện năng, hoàn toàn bảo đảm tính chính xác và minh bạch.

“Đối với đơn vị kinh doanh điện năng, công tơ điện tử đo xa giúp bảo đảm an toàn cho người lao động; thu thập được dữ liệu sử dụng điện của khách hàng, từ đó có kế hoạch đầu tư phù hợp, hiệu quả trong cung cấp điện; tránh được sai sót trong công tác ghi chỉ số và nhập chỉ số”, ông Lê Đức Thuận cho biết thêm. 

Xây dựng hệ thống Mini SCADA 

PC Vĩnh Phúc cũng là một trong những đơn vị dẫn đầu của EVNNPC đã triển khai xây dựng thành công hệ thống Mini SCADA điều khiển từ xa lưới điện trung áp nhằm theo kịp xu thế vận hành lưới điện theo hướng tự động hóa và hiện đại, phục vụ cho công tác quản lý kỹ thuật-vận hành, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.

Theo đó, hệ thống Mini SCADA được xây dựng từ tháng 2/2015, đến nay số nút điều khiển và thu thập thông số lưới điện trung áp là 59 nút. Trước kia, khi sự cố lưới điện chỉ khi khách hàng báo mất điện hoặc trực trạm 110kV, trạm biến áp trung  gian báo về Điều độ thì mới biết được thông tin và tiến hành xử lý sự cố.  

“Từ khi đưa hệ thống Mini SCADA vào vận hành, các thông số lưới điện được tự động truyền về Phòng Điều độ để phục vụ chỉ huy vận hành lưới điện theo thời gian thực. Khi sự cố lưới điện xảy ra, người vận hành biết được ngay và thao tác đóng, cắt thiết bị từ xa kể cả trong mưa bão, ban đêm; khai thác thông tin sự cố, cài đặt chỉnh định rơ le từ xa; khoanh vùng sự cố bằng phần mềm thông minh từ đó giảm được thời gian mất điện của khách hàng, giảm được chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chỉ số độ tin cậy cung cấp điện đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng mua điện”, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Phòng Điều độ PC Vĩnh Phúc khẳng định về hiệu quả của hệ thống này.

Là một trong những khách hàng lớn của Điện lực TP. Vĩnh Yên ( thuộc PC Vĩnh Phúc) mỗi tháng Trung tâm thương mại (Công ty Cổ phần SaiVa Việt Nam) sử dụng khoảng 400 triệu đồng tiền điện. Trong đó hệ thống kho lạnh và điều hòa tiêu thụ phần lớn điện năng của Trung tâm thương mại này.

Đánh giá về những ứng dụng công nghệ của ngành Điện trong việc kinh doanh và phục vụ khách hàng, ông Vũ Đình Thiện, Phó Trưởng ban quản lý Trung tâm thương mại cho biết: Ngành điện đã thanh đổi rất nhiều so với trước đây, nhất là công tác dịch vụ khách hàng khi thời gian cắt điện rất ít, nếu có cắt đều nhắn tin thông báo để chúng tôi chủ động nguồn điện từ máy phát dự phòng.

“Đặc biệt, tiện ích nhất chính là việc thanh toán tiền điện qua ngân hàng, trước đây hàng tháng chúng tôi phải mang cả trăm triệu đến điện lực Vĩnh Yên để thanh toán, có khi phải xếp hàng chờ cả buổi sáng, nhưng giờ đây chỉ cần ngồi nhà thao tác qua máy tính là có thể thanh toán được tiền điện”, ông Thiện cho biết thêm.

Những đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ kinh doanh và dịch vụ khách hàng không chỉ nhận được sự đánh giá cao của các khách hàng lớn thuộc khối kinh doanh, dịch vụ mà còn nhận được tín hiệu phản hồi tích cực từ khối khách hàng sử dụng điện sinh hoạt.

Ông Nguyễn Văn Minh, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc cho biết: “Trước đây, sử dụng công tơ cơ rất nhiều phiền phức, nhất là thời điểm công nhân ngành điện tiến hành ghi chỉ số công tơ phải có người của gia đình tham gia, giám sát. Từ ngày lắp công tơ điện tử đo xa chỉ số sử dụng điện của gia đình được đo đếm rất chính xác, được cập nhật thường xuyên. Chúng tôi có thể cập nhật sản lượng sử dụng điện hàng ngày qua phần mềm đã được ngành điện công bố công khai, minh bạch”. 

Thời gian tới, PC Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Đồng thời tiếp tục xây dựng lưới điện thông minh; chú trọng xây dựng văn hóa an toàn, nâng cao đời sống, giải quyết các yêu cầu của khách hàng trực tuyến; thực hiện làm việc theo phong cách 5S và triển khai áp dụng hệ thống đo lường đánh giá hiệu suất công việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc giao.

                                                                                                                         Toàn Thắng