Vĩnh Phúc là một trong 5 tỉnh có diện tích nhỏ nhất nước nhưng có tới 30% là đồi núi, mật độ dân cư thấp, chủ yếu người dân tập trung sinh sống ở khu vực đồng bằng, trung du.
Do đó, việc tồn tại nhiều trường THPT quá gần nhau nảy sinh nhiều bất cập. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh đã có 13 trường THPT bán công được thành lập và đặt gần các trường THPT công lập đã có từ trước. Sau này, khi các trường THPT bán công chuyển thành công lập thì có hiện tượng một số trường có khoảng cách quá gần nhau, gây khó khăn cho việc tuyển sinh.
Tình trạng này vừa khiến bộ máy cồng kềnh lại gây lãng phí cơ sở vật chất, bởi có trường chỉ có trên 200 học sinh ở cả 3 khối, trong khi hệ thống cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng giống như các trường có quy mô cả ngàn học sinh. Do đó, việc tổ chức lại một số trường không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy tốt cơ sở vật chất mà còn bảo đảm việc phân bổ hợp lý về vị trí địa lý.
Ngày 28/7 vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết định tổ chức lại các trường gồm: Trường THPT Hồ Xuân Hương và THPT Đội Cấn, huyện Vĩnh Tường thành Trường THPT Đội Cấn; Trường THPT Văn Quán và THPT Trần Nguyên Hãn, huyện Lập Thạch thành Trường THPT Trần Nguyên Hãn; Trường THPT Thái Hòa và THPT Liễn Sơn, huyện Lập Thạch thành Trường THPT Liễn Sơn.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đang phối hợp với ngành chức năng, chính quyền địa phương chỉ đạo, hướng dẫn 6 trường được tổ chức lại chủ động ổn định về mọi mặt tư tưởng, cơ sở vật chất. Mỗi trường đều có phân hiệu 2, giữ nguyên cơ sở vật chất, giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý làm việc tại các cơ sở; bố trí sắp xếp đội ngũ hợp lý, bảo đảm công bằng minh bạch chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở.
Hiện, các trường được tổ chức lại đang tích cực thực hiện việc bàn giao cơ sở vật chất, sắp xếp ổn định đội ngũ cán bộ, nhà giáo, sẵn sàng bước vào năm học mới 2017-2018.
T. Minh