Cô Nguyễn Thị Mùi bên các học sinh của mình - Ảnh: NVCC
Cô giáo Nguyễn Thị Mùi đang là giáo viên của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tư, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Lớp học của cô năm nay chỉ có 10 học sinh, các em đa phần là học sinh dân tộc thiểu số, điều kiện gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Hành trình đi tìm con chữ chẳng hề dễ dàng với cả cô và trò nơi đây.
Nhớ ngày đầu mới từ đồng bằng về đây dạy học, vợ chồng cô không khỏi ngỡ ngàng. Những ngày tháng ấy, ngoài thời gian dạy học, hai vợ chồng cô giáo Mùi lại nuôi thêm vài con bò, chăm thêm đàn heo để có thêm nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống, lo cho hai con đang tuổi ăn tuổi học. Mấy năm nay cả hai vợ chồng đã lớn tuổi, cuộc sống cũng không còn nặng gánh như xưa nên cũng đỡ vất vả. Nhưng kí ức của những ngày tháng gian nan ấy vẫn nguyên vẹn như ngày hôm qua.
"Vợ chồng tôi đều là giáo viên. Ngày xưa, khi mới lên đây dạy học, cuộc sống vô vàn khó khăn. Không có đường đi, nước sinh hoạt thiếu thốn. Mỗi lần đi ra trung tâm, chúng tôi phải qua hai con suối. Khoảng 5 năm trở lại đây, nơi đây mới có đường bê tông đẹp như bây giờ", cô giáo trải lòng.
Gắn bó với công việc trồng người đã hơn 20 năm, đưa bao thế hệ học trò qua sông, điều khiến cô Mùi luôn hạnh phúc mỗi khi nhớ về đó là khát vọng đi tìm con chữ, tình yêu thương của học trò, phụ huynh và những người dân nơi đây. Những bó hoa dại các con hái ven đường, hay của nhà trồng được các con mang tặng thầy cô luôn được hai vợ chồng nâng niu trân trọng.
"Các con ngoan và lễ phép lắm. Phụ huynh cũng rất thương các thầy cô giáo. Thi thoảng cũng có vài em ốm, hoàn cảnh gia đình con muốn nghỉ học bươn chải phụ giúp cha mẹ, các thầy cô đến từng nhà động viên các con đi học. Học để có con chữ, để biết phân biệt đúng sai, để sau ra đời con biết phân biệt phải trái, nên người. Tôi cũng chỉ còn hai năm nữa là về hưu. Tôi mong nhà nước sẽ có chính sách tăng lương, hỗ trợ động viên để những người làm nghề nhà giáo đặc biệt là những giáo viên trẻ yên tâm cống hiến. Như giáo viên từ đồng bằng lên đây gần như thu nhập chỉ có dựa vào lương mà thôi", cô giáo Mùi chia sẻ.
Em Nguyễn Thị Lệ, sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội nuôi giấc mơ trở thành cô giáo từ những ngày thơ bé - Ảnh: NVCC
Cô giáo tương lai Nguyễn Thị Lệ đang là sinh viên năm hai ngành Ngữ Văn (Đại học Sư phạm Hà Nội). Học lực tốt từ thời trung học phổ thông, giữa rất nhiều lựa chọn, Lệ quyết định thi vào ngành Sư phạm.
"Em biết nghị định mới của Chính phủ, học Sư phạm sẽ được hỗ trợ. Em không muốn cha mẹ nặng gánh vì em, sau em còn có ba em nhỏ. Khi dạy các em của em học, em thấy khả năng mình truyền đạt tốt. Quan trọng nhất từ nhỏ em đã ước mơ đứng trên bục giảng, em rất thích trở thành cô giáo nên em đăng kí thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội với giấc mơ trở thành cô giáo dạy Văn" - bạn Lệ tự hào chia sẻ.
Cho tới thời điểm hiện tại, học lực của Lệ đang ở mức xuất sắc. Mỗi tháng em nhận được khoảng 3,6 triệu đồng học bổng. Trong 3 tháng đầu mới từ Nghệ An bỡ ngỡ ra Hà Nội học tập, Lệ vẫn cần gia đình hỗ trợ nhưng sau đó em đi làm thêm, tự lo được cho cuộc sống của mình.
Thời gian đầu, cô gái xứ Nghệ cũng không khỏi hoang mang, lo lắng vì tình trạng thừa giáo viên, nhiều giáo viên thất nghiệp không bám trụ được với nghề.
"Em cũng từng hỏi mình, biết vậy đi thi vào trường kinh tế, sao lại thi vào Sư phạm? Nhưng rồi em nghĩ, nghề nào cũng có khó khăn, vất vả, có cơ hội và thử thách. Em đi làm gia sư để rèn nghề, phục vụ cho công việc sau này nhưng quan trọng nhất với em vẫn là phải học, có kiến thức để vững tay nghề. Em mong sống được với nghề", cô giáo tương lai Nguyễn Thị Lệ bày tỏ.
"Áp lực thi đua đối với thầy cô giáo quá cao"
Ngày 16/11 vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, đơn vị số 1 đã có buổi tiếp xúc cử tri TP. Thủ Đức. Tại đây, cử tri Vũ Thị Minh, một giáo viên đã có thâm niên công tác gần 20 năm trong nghề đã nói về áp lực thi đua đối với các giáo viên hiện nay.
Theo cô Vũ Thị Minh, thời gian qua, khi thành phố có chính sách tăng thu nhập cho giáo viên, nhiều người đã rất vui mừng, tuy nhiên, thực hiện mới thấy chính sách này lại tạo thêm những áp lực thi đua cho những người thầy cô giáo. Bên cạnh đó, công tác xét thi đua hiện nay có nhiều tiêu chí ngoài chuyên môn. Cô giáo đề nghị cần có khung tiêu chí để áp dụng chung cho các trường. Cô hy vọng hội nghị công nhân viên chức ngành giáo dục sắp tới sẽ có đại diện của lãnh đạo TPHCM để nghe được tiếng nói của các thầy cô.
Huy Phạm