Khán giả trên sân Pleiku của HAGL trận khai mạc V.League 2018 ngày 10/3. Ảnh: Thanh niên |
Bóng đá, cầu thủ chơi bóng trên sân bất kể ở cấp độ nào đều cần người đến xem cổ vũ. Dường như tiếng hò reo của khán giả khiến các cầu thủ nỗ lực hơn trong việc trình diễn kỹ năng của mình. Còn người xem đến sân bóng có thể vì nhiều lý do nhưng điều khiến họ thích thú là được “chiêm ngưỡng” những cầu thủ mình yêu mến thi đấu chắc chắn là lý do thuyết phục nhất.
Trở về mùa bóng trước đây 3 năm, ta sẽ thấy điều đó…
Tháng 9/2014, tại Giải vô địch U19 Đông Nam Á (có 2 khách mời là Nhật Bản và Australia), trên sân Mỹ Đình, những cái tên Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Hồng Duy, Đông Triều… của U19 Việt Nam liên tục được khán giả hô vang.
Lối chơi đẹp mắt của nhiều cầu thủ HAGL trong đội hình U19 năm 2014 đã kéo khán giả đến sân xem họ thi đấu ở V.League mùa bóng 2015, mùa đầu tiên lứa U19 HAGL được đôn lên đá ở cấp độ cao nhất.
Ngay trong trận đầu tiên ra sân gặp Sanna Khánh Hòa (ngày 4/1/2005), các cầu thủ HAGL đã thu hút được 13.000 người tới sân Pleiku. Bốn bàn thắng của HAGL ghi được trong trận thắng 4-2 đều do công của lứa U19 năm trước: Tuấn Anh, Công Phượng (2 bàn), Văn Toàn. Thế rồi cũng từ đó, các trận có HAGL thi đấu trên sân nhà hay sân khách đều thu hút rất nhiều người hâm mộ.
Nhìn riêng thì như vậy nhìn chung, rất nhiều trận đấu chỉ lôi kéo được vài nghìn khán giả, nhất là những trận cuối mùa giải. Có những trận chỉ khoảng 1.000 người đến xem.
Người xem ít đến sân cũng có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể có những nguyên nhân thuộc về đội bóng (cầu thủ chơi bạo lực); có nguyên nhân từ việc “chia điểm” ở trận này trận khác; có nguyên nhân từ trọng tài khiến người xem không tin tưởng sự vô tư của họ hay công tác bảo đảm an toàn an ninh cho trận đấu… Chính điều đó gây hại cho hình ảnh giải vô địch quốc gia vì khi bỏ tiền mua vé, người xem có quyền đòi hỏi được xem một trận cầu đẹp, vô tư trong an toàn, trật tự…
Tuy nhiên, V.League mùa bóng 2018 mới qua 3 vòng đã cho thấy tín hiệu đáng mừng khi nhiều khán giả đã quay trở lại sân bóng!
Theo thống kê 3 vòng đấu V.League 2018 của Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (PVF), lượng khán giả đến xem đạt 185.000 người đến xem, trung bình 10.278 người/trận. Con số này cao hơn so với 3 mùa giải gần đây (2015 trung bình hơn 7.600 người/trận; 2016 hơn 10.000 người; 2017 hơn 8.500 người/trận).
Lý do để V.League 2018 thu hút được nhiều người tới sân có thể đến từ “hiệu ứng U23” giống như lứa U19 năm 2015.
Ngay từ tháng 1/2018, tình yêu bóng đá của người hâm mộ trong nước đã được khích lệ cao độ với chiến tích của Đội tuyển U23 tại Giải vô địch U23 châu Á. Bên cạnh Xuân Trường, Công Phượng, những cái tên như Quảng Hải, thủ môn Tiến Dũng, Văn Thanh… lại đồng loạt được ngưỡng mộ. Và cũng giống như sức hút của các cầu thủ U19 năm 2015, các cầu thủ U23 Việt Nam tham gia V.League 2018 là “thỏi nam châm” với người hâm mộ. Cùng với đó, tân binh Nam Định trở lại V.League cũng thu hút lượng người xem rất lớn (trong 3 trận đấu, có tới 44.000 người đến xem đội Nam Định thi đấu; vòng 1 sân Thiên Trường: 22.000 người; vòng 2 sân Gò Đậu 5.000 người; vòng 3 sân Thiên Trường 17.000 người)…
Khán đài kín khán giả xem trận Nam Định-Hải Phòng ngày 22/3/2018. Ảnh: Báo Nhân dân |
Trả lời phỏng vấn Báo Tổ quốc, ông Vương Bích Thắng (Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục-Thể thao) cho rằng đúng là có “hiệu ứng tích cực của đội U23” như mọi người đã thấy. Nhưng bên cạnh đó, trước khi vào mùa giải, các đội bóng đã tích cực chuẩn bị cả về chuyên môn (chiêu mộ huấn luyện viên mới) lẫn việc chăm chút ý thức thi đấu của cầu thủ nhằm làm cho các trận đấu diễn ra vừa đẹp mắt, vừa vô tư, công bằng.
Theo ông Vương Bích Thắng, để khán giả đến sân xem bóng đá ngày càng đông thì trước hết cầu thủ phải nỗ lực cao độ với lối chơi đẹp, sân bãi, chỗ ngồi tốt rồi nhân tố quan trọng nữa là công tác trọng tài. Ngoài ra, các đội bóng cần xây dựng hình ảnh và gây được thiện cảm với người hâm mộ vì đội bóng không phải chỉ là của 1 doanh nghiệp mà còn thuộc về một cộng đồng (ví dụ một số đội bóng đã bỏ tên doanh nghiệp và chỉ giữ lại tên địa phương: Hà Nội, Quảng Nam, Hải Phòng, Nam Định, Thành phố Hồ Chí Minh). Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý và địa phương có đội bóng cũng cần tham gia công cuộc xây dựng bóng đá sạch nói chung để thành tích của đội bóng là niềm tự hào của địa phương mình…
Khi được như vậy, những người làm bóng đá, chơi bóng đá sẽ hết nỗi lo khán đài vắng người xem!
Thùy Linh