Đây là sự kiện game có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại Việt Nam, quy tụ các doanh nghiệp trong ngành, các đối tác, chuyên gia, cùng cộng đồng yêu game cả nước, với mong muốn phát triển ngành game Việt đúng hướng, lành mạnh và tạo nhiều giá trị tích cực cho đất nước.
Sự kiện tiếp nối chuỗi Hội nghị kết nối mở rộng thị trường ngành game Việt Nam được tổ chức từ cuối năm 2022 đến nay.
Tại hội nghị nói trên, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết, game là ngành có tính quốc tế, vì vậy các doanh nghiệp hoạt động không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra thế giới, kết nối các doanh nghiệp, studio lớn trên thế giới. Và nước ta đang có lợi thế này.
Cụ thể, nhân lực làm game của Việt Nam có năng lực tốt, chuyên môn lập trình tốt, chăm chỉ, siêng năng, chịu khó. Một lập trình viên của Việt Nam có thể tự làm sản phẩm hoàn chỉnh. Vì vậy, các start-up game ở Việt Nam rất thuận lợi để phát triển, chỉ cần một nhóm 2-3 người, có ý tưởng và kết nối được sự đầu tư là có thể phát triển được một game. Thực tế có nhiều game như vậy đã thành công. Các quốc gia, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ cũng đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, ngành game ở nước ta có hạn chế lớn nhất là chưa đi cùng nhau. Trong 10 năm qua, ngành game nước ta chọn cách đi một mình để đi nhanh, nên chỉ có một vài doanh nghiệp phát triển. Vì không đi cùng nhau nên ngày càng gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, Bộ TT&TT đang cấp phép khoảng 200 doanh nghiệp game, nhưng thực tế chỉ còn khoảng 30 doanh nghiệp đang hoạt động. Nếu không có sự hỗ trợ 30 doanh nghiệp này để vực dậy ngành game thì ngành này sẽ ngày càng teo tóp.
Cũng chính vì không đi cùng nhau, nên chúng ta không tận dụng được lợi thế của nhau. Các bên giỏi viết game, làm game thì không có kinh nghiệm phát hành, nên tiếp cận người dùng ít. Còn bên làm phát hành rất tốt thì lại khao khát tìm ra những game Việt chất lượng để nâng tầm sản phẩm nội địa thì lại không tìm được, dẫn đến thực trạng người Việt đa số chơi game nước ngoài, còn doanh nghiệp Việt sản xuất game lại không phải cho người chơi trong nước mà cho nước ngoài.
Bên cạnh đó, các game blockchain, NFT chưa có chính sách, vì vậy nhiều doanh nghiệp game, nhất là các start-up nhỏ lựa chọn thành lập ở nước ngoài, như Singapore, để hưởng các chính sách thí điểm hỗ trợ, dẫn đến hiện tượng chảy máu chất xám.
Hiện tại, Bộ TT&TT đang làm việc với Bộ Tài chính để không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành game.
Ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNGGames cho biết, Ngày hội game Việt Nam 2023 là cơ hội để các doanh nghiệp game làm rõ hơn về hoạt động của mình, cũng như để các bên có thể hiểu rõ hơn về ngành game.
Với những tiềm năng khai thác về kinh tế và xã hội, ngành game được xác định là mũi nhọn phát triển của nhiều quốc gia, đặc biệt là sau dịch COVID-19 khi rất nhiều ngành nghề truyền thống bị ảnh hưởng.
Tại kì SEA Games 31 vừa qua, VNG cũng là đối tác chiến lược của Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA), tham gia vận hành và đưa vận động viên thi đấu ở các nội dung PUBG Mobile, LMHT. Kết quả, đoàn thể thao điện tử Việt Nam xuất sắc đứng nhất toàn Đại hội.
Xác định con người là yếu tố then chốt trong sự phát triển của doanh nghiệp, VNG liên tục đầu tư cho các hoạt động tuyển dụng và đào tạo nhân lực ngành game. Mỗi năm, chương trình VNG Game design fresher và VNG Game development fresher thu hút hàng ngàn lượt đăng ký từ các bạn sinh viên trên cả nước.
HM