In bài viết

Với quy định mới, chữ ký số sẽ ‘tươi’

(Chinhphu.vn) - Thông tư mới hướng dẫn việc cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ được ban hành sẽ góp phần đảm bảo thời gian xử lý các yêu cầu chứng thực được nhanh chóng, kịp thời theo nguyên tắc giảm bớt các khâu trung gian nhưng vẫn đảm bảo về thẩm quyền, trách nhiệm trong quản lý hành chính nhà nước.

18/12/2019 18:55

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vừa ký ban hành Thông tư số 185/2019/TT-BQP, ngày 4/12/2019 hướng dẫn việc cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ (Thông tư 185). Thông tư gồm 4 chương 19 điều, trong đó nội dung chủ yếu như sau:

Trước hết về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng: Thông tư này hướng dẫn việc cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.

Theo Ban Cơ yếu Chính phủ, nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Thông tư 185 đã quy định cụ thể việc gửi, nhận các yêu cầu chứng thực giữa cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp với Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ có thể được thực hiện bằng văn bản điện tử được ký số theo quy định của pháp luật gửi qua Trục liên thông văn bản quốc gia hoặc Hệ thống thông tin do Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai, vận hành.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng bổ sung, mở rộng phương thức gửi, nhận thiết bị lưu khóa bí mật giữa thuê bao, cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp, Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ được thực hiện bằng phương thức trực tiếp, thông qua tổ chức cơ yếu hoặc thông qua đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích theo quy định của pháp luật (Điều 5 và Điều 6).

Về thực hiện đăng ký các dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, Thông tư 185 đã hướng dẫn chi tiết các mẫu biểu để thực hiện đăng ký các dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Các mẫu biểu liên quan đến hoạt động đăng ký cấp mới, gia hạn, thay đổi nội dung thông tin, thu hồi chứng thư số, khôi phục thiết bị lưu khóa bí mật… cũng được quy định rõ tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tổ chức thực hiện (Điều 8 đến Điều 11).

Về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, Thông tư 185 đã quy định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đảm bảo việc thi hành Thông tư được thống nhất, đồng bộ, kịp thời (Điều 12 đến Điều 17).

Theo Ban Cơ yếu Chính phủ, Thông tư số 185/2019/TT-BQP được ban hành sẽ góp phần đảm bảo thời gian xử lý các yêu cầu chứng thực được nhanh chóng, kịp thời theo nguyên tắc giảm bớt các khâu trung gian nhưng vẫn đảm bảo về thẩm quyền, trách nhiệm trong quản lý hành chính nhà nước.

Theo đó, các cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp thuê bao thực hiện đăng ký trực tiếp với Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ để được bảo đảm, cung cấp chứng thư số thay vì trước đây phải đăng ký tuần tự qua các cấp hành chính.

 Đồng thời, Thông tư 185 đã quy định trách nhiệm của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong việc triển khai, vận hành, tổ chức hướng dẫn các cơ quan, đơn vị sử dụng Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý yêu cầu chứng thực trên môi trường mạng.

Đặc biệt, Thông tư cũng quy định, người đứng đầu các cơ quan Đảng, Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo, ủy quyền cho cơ quan chuyên trách trực thuộc xây dựng kế hoạch, đề xuất nhu cầu; quản lý, hướng dẫn, kiểm tra; tổ chức hội thảo, tập huấn, huấn luyện triển khai sử dụng chứng thư số, thiết bị lưu khóa bí mật, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho các thuê bao thuộc quyền quản lý.

Thông tư 185/2019/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 18/2/2020, thay thế cho Thông tư số 08/2016/TT-BQP ngày 1/2/2016 của Bộ Quốc phòng quy định về việc cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội./.