In bài viết

Vốn tín dụng ưu đãi – đòn bẩy của học sinh nghèo

(Chinhphu.vn) – Hơn 2,3 triệu học sinh sinh viên (HSSV) thuộc hơn 1,8 triệu hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn ưu đãi để đi học. Đồng vốn chính sách đã thực sự trở thành "bà đỡ", thành người bạn đồng hành của những HSSV nghèo vì tương lai tốt đẹp hơn.

29/04/2012 09:23

Hỗ trợ HSSV vững bước đến trường

Nhờ Chương trình tín dụng HSSV, sinh viên Dương Thị Hồng Nhung có thể yên tâm đến lớp - Ảnh: Chinhphu.vn

Đã 2 năm nhận tiền vay từ Chương trình tín dụng đối với HSSV, sinh viên Dương Thị Hồng Nhung, quê ở xã Gia Phố, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, hiện đang học năm thứ 2 Trường Cao đẳng Công Thương, thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Gia đình em nghèo, thu nhập chủ yếu từ tiền bán hoa màu, khi đỗ đại học em rất lo lắng vì nhà em còn có 2 em cũng đang đi học. Nhờ được vay tiền nên em yên tâm đến lớp. Rất cảm ơn Chương trình đã giúp đỡ những học sinh nghèo khó khăn như em".

Sinh viên Lầu Văn Sì, quê ở xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng có hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt, bố mất sớm, mẹ đi bước nữa, để lại 4 anh em cho bà nội với mảnh rẫy nhỏ lưng chừng núi. Trở thành sinh viên của trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên với Lầu Văn Sì đó vừa là niềm vui lớn nhưng cũng là nỗi lo chưa có lời giải đáp. Do đó, khi tiếp cận được với nguồn vay ngân hàng theo Chương trình tín dụng HSSV, Sì đã rất vui mừng vì có thể tiếp tục theo đuổi con đường học hành.

"Khi đó cả nhà dồn đến những kg thóc cuối cùng, vay mượn khắp họ hàng, làng trên xóm dưới cũng không được quá 2 triệu đồng bởi nhiều người ngại không muốn cho gia đình nghèo thiếu quanh năm như nhà mình vay. Trong hoàn cảnh ấy, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã thực sự là phao cứu sinh cho ước mơ bay cao hơn của con em những gia đình nghèo như chúng tôi. Nhờ chính sách này, đã có hàng chục ngàn lượt sinh viên nghèo giảm bớt nỗi lo đè nặng lên con chữ", sinh viên Sì bày tỏ.

Theo cựu sinh viên Nguyễn Thị Dung, ưu đãi tín dụng HSSV là một chính sách mang đầy tính nhân văn - Ảnh: Chinhphu.vn

Cùng hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Trần Sơn Dũ (transondu@...), cựu học sinh trường Đại học Luật, Hà Nội chia sẻ, nhà anh Dũ rất nghèo, không nhà ở, không ruộng vườn, chỉ sống bằng nghề làm thuê. "Vậy mà tôi vẫn mơ vào đại học. Trúng tuyển rồi, không ai có thể tin tôi đủ sức vượt qua 4 năm đại học. Bằng sự quyết tâm, tôi đã làm nhiều việc để lo chi phí học tập và nhiều khi cũng đuối sức", anh Dũ nhớ lại.

Tuy nhiên, từ khi có chính sách cho HSSV vay tiền đi học, anh Dũ đã có thêm sức mạnh, động lực, và cuối cùng anh cũng được nhận tấm bằng Đại học Luật loại Khá. Hiện đang công tác tại một trường Đại học, anh Dũ xúc động: "Tôi sẽ nỗ lực phát huy những kiến thức mà tôi đã học được trong nhà trường, mong Nhà nước tiếp tục cho những HSSV nghèo khác vay học tập".

Khẳng định chính sách cho HSSV vay tín dụng đã có tác dụng to lớn với người dân nghèo, chị Nguyễn Thị Dung (Nam Định), cựu sinh viên Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, khi chưa có chính sách này, gia đình chị đã phải rất khó khăn vay mượn bên ngoài với lãi suất cao để lo nộp học phí và chi phí ăn ở cho chị khi đi học. "Khi biết việc Chính phủ triển khai cho HSSV vay tín dụng với lãi suất thấp và không cần trả lãi ngay, gia đình tôi như trút được nỗi lo. Đây thực sự là một chính sách mang đầy tính nhân văn vì với những người có hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi, việc học là một cách vượt khó, thoát nghèo", chị Dung chia sẻ.

Để có thêm nhiều đối tượng được vay vốn

Theo ý kiến của sinh viên Lưu Văn Huy (souvenir89@...), hiện đang học Đại học Kiến trúc, Hà Nội thì Chương trình tín dụng HSSV đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ về ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục, phát huy tiềm năng nguồn nhân lực trẻ. Tuy nhiên, sinh viên Huy cho rằng, chính sách ưu đãi vay vốn dành cho sinh viên thời gian qua chưa đáp ứng hoàn toàn nhu cầu tối thiểu là trang trải tiền học, ăn, ở của sinh viên, nhất là ở các đô thị lớn trong hoàn cảnh giá cả đắt đỏ như hiện nay. Bên cạnh đó, để được nhận tiền vay của ngân hàng, các sinh viên thường phải đợi gần một học kỳ dù đã hoàn tất thủ tục. "Em nghĩ rằng Nhà nước cần xem xét thực tế để xây dựng phương án cho vay vốn linh hoạt hơn,  nhanh chóng hơn, với mức vay cao hơn. Ngành chức năng cũng nên xem xét mở rộng đối tượng được vay vốn, như đối tượng là hộ gia đình có mức thu nhập trung bình, nhưng cùng lúc phải lo cho nhiều con đi học. Như thế, sẽ có thêm nhiều sinh viên có cơ hội tiếp cận Chương trình này", sinh viên Huy bày tỏ.

Sinh viên Lưu Văn Huy mong muốn một phương án cho vay vốn linh hoạt hơn,  nhanh chóng hơn, với mức cho vay cao hơn - Ảnh: Chinhphu.vn

Sinh viên Phạm Mạnh Thắng (manhthang_pham@...) suy nghĩ, thực tế có không ít học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn chưa được tiếp cận cũng như hiểu rõ chính sách để thụ hưởng Chương trình tín dụng HSSV như đối tượng được vay, số tiền, thời gian được vay, mức lãi suất,... "Do không nắm vững về nội dung cũng như thủ tục xác nhận để vay vốn tín dụng, nên nhiều bạn thường bị chậm trễ trong nhận tiền vay. Mỗi lần nhận tiền vay muộn là một lần gia đình các bạn sinh viên phải lo lắng, chạy đôn đáo khắp nơi để vay tiền, khiến gia đình các bạn sinh viên càng thêm khó khăn", sinh viên Thắng chia sẻ.

Xuất phát từ thực tế trên, sinh viên Thắng kiến nghị các cơ quan chức năng và nhà trường cần phối hợp để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách tín dụng HSSV ở địa phương và cơ sở đào tạo, đồng thời công khai thời gian cho vay để học sinh, sinh viên nắm bắt thông tin, kịp thời làm các thủ tục vay theo quy định.

Mong muốn cơ quan chức năng xác định đúng đối tượng cho vay là ý kiến của anh Dương Văn Sơn (Cao Bằng). Nhờ có sự hỗ trợ của Chương trình tín dụng đối với HSSV, anh Sơn đã hoàn thành chương trình đại học sau 5 năm. Theo anh Sơn, thực tế hiện nay vẫn có những trường hợp sinh viên sử dụng vốn vay tín dụng HSSV không đúng mục đích như để mua xe, kinh doanh..., điều này vô tình đã làm thất thoát một nguồn tín dụng để giúp đỡ những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. "Để hạn chế tình trạng này, tôi nghĩ Ngân hàng cần quyết liệt hơn trong việc cho vay học phí qua thẻ ATM, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm các đối tượng sử dụng vốn vay sai mục đích", anh Sơn kiến nghị.

Anh Dương Văn Sơn mong Nhà nước xem xét và gia hạn thêm thời gian trả nợ cho các sinh viên đã tốt nghiệp - Ảnh: Chinhphu.vn

Ngoài ra, anh Sơn cho biết, theo quy định của Chính phủ, việc cho vay đối với HSSV được thực hiện theo phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình là người trực tiếp vay vốn và có trách nhiệm trả nợ Ngân hàng Chính sách xã hội. Sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp, sinh viên phải có trách nhiệm cùng với gia đình trả nợ. "Nhưng sinh viên mới ra trường như chúng tôi, thu nhập còn thấp, khó tích lũy để có tiền trả nợ ngay. Để trả được số tiền vay này chúng tôi cũng phải tích góp từng tháng lương. Vì vậy, với những bạn chưa xin được việc hoặc đi làm hợp đồng hưởng lương cơ bản thì thật sự đây là nỗi lo. Do đó, tôi nghĩ Nhà nước có thể xem xét và gia hạn thêm thời gian trả nợ cho các sinh viên đã tốt nghiệp" - anh Sơn chia sẻ.

Còn sinh viên Phạm Văn Thiện (phamthien@...) đề xuất, ngoài Ngân hàng Chính sách xã hội, Nhà nước cần vận động các tổ chức tín dụng khác tham gia vào Chương trình này. Theo sinh viên Thiện, việc các ngân hàng kém mặn mà với Chương trình này một phần là do hiện nay việc quản lý sinh viên ở trường cũng như sau khi tốt nghiệp còn chưa chặt chẽ khiến các ngân hàng còn khó khăn khi đòi nợ.

"Hơn nữa, bản thân các sinh viên tham gia Chương trình cũng phải nhận thức được việc trả nợ cho ngân hàng có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với các sinh viên khó khăn đang có nhu cầu vay vốn. Chương trình tín dụng HSSV sẽ có hiệu quả cao khi có sự hợp tác chặt chẽ giữa Ngân hàng - Trường học - Sinh viên", sinh viên Thiện mong muốn.

Thu Hằng thực hiện