Cầu thủ ĐT U23 Nhật Bản (áo xanh) trong trận gặp U23 Myanmar. Nguồn ảnh: VOV |
Trước đó, đoàn quân của ông Makoto cũng đã kịp thắng U23 Thái Lan 2-0; thắng U23 Singapore 8-1.
Sau 5 ngày tập luyện trên đất Malaysia (từ 16/3), ĐT U23 Nhật Bản đá trận giao hữu đầu tiên với CLB Real Mulia FC vào chiều 20/3 và giành trận thắng 5-0.
Trận thứ 2 (ngày 21/3), U23 Nhật Bản đã giành chiến thắng 4-1 khi gặp CLB Sime Darby FC của Malaysia.
Sức mạnh của U23 Nhật Bản là không thể nghi ngờ ở thời điểm này và đối với “phần còn lại” của bảng I, không đội nào là đối thủ của họ.
Tại vòng loại, U23 Nhật Bản thi đấu khá... nhàn nhã khi gặp U23 Macau trận mở đầu (ngày 27/3), sau đó gặp U23 Việt Nam (ngày 29/3) và trận cuối gặp U23 Malaysia (ngày 31/3).
Lịch thi đấu bảng I. Nguồn: VFF |
Báo chí trong nước dẫn thông tin từ LĐBĐ Nhật Bản (JFA) cho hay 2 cầu thủ đẳng cấp quốc tế của U23 Nhật Bản (là Minamino Takumi và Kubo Yuya) sẽ không dự trận đấu cuối vòng bảng, trận gặp U23 Malaysia, do phải trở về châu Âu thi đấu cho CLB chủ quản của mình.
Đây là tin vui với U23 Malaysia nhưng lại là “hung tin” với U23 Việt Nam. Vì lẽ đó, vòng loại tại Malaysia quả là “chông gai” với các cầu thủ Việt Nam.
Với U23 Việt Nam, sau 5 trận "đề-pa", các học trò của ông Miura thắng được 2 trận (thắng Hà Nội T&T 3-1, thắng U23 Indonesia 1-0); hòa 2 trận (hòa U22 Uzbekistan 0-0 và hòa đội Đồng Nai 1-1 khi bị dẫn trước); thua U23 Thái Lan 1-3.
Như vậy để đến được Qatar, U23 Việt Nam phải giành được vị trí nhì bảng với thành tích cao nhất có thể. Thế nên với kịch bản khả thi nhất "thắng U23 Malaysia, hạn chế thua đậm trước U23 Nhật Bản rồi thắng hết mức có thể trước U23 Macau" là nhiệm vụ bắt buộc với thầy trò HLV Toshiya Miura.
Thùy Linh