Ảnh minh họa |
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc VPBank tăng vốn điều lệ từ 5.770 tỷ đồng lên 6.347,41 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên VPBank thông qua tại Nghị quyết số 01/2013/NQ-ĐHĐCĐ-VPBank.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu VPBank có trách nhiệm thực hiện việc tăng vốn theo quy định của pháp luật. Sau khi hoàn tất các thủ tục tăng vốn, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank phải có văn bản báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về kết quả thực hiện việc thay đổi mức vốn điều lệ và đề nghị sửa đổi Giấy phép theo mức vốn điều lệ mới (qua Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hà Nội).
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hà Nội chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc VPBank tăng vốn điều lệ theo quy định; tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị sửa đổi Giấy phép theo mức vốn điều lệ mới của VPBank, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) xem xét, quyết định.
Văn bản này có hiệu lực trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày 12/2/2014. Trường hợp việc tăng vốn điều lệ chưa hoàn tất trong thời hạn cho phép, nếu Đại hội đồng cổ đông VPBank thông qua việc thay đổi phương án tăng vốn điều lệ đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, văn bản này hết hiệu lực pháp lý.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (Ngân hàng TMCP Các Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh trước đây) được thành lập ngày 12/8/1993. Sau gần 20 năm hoạt động, VPBank đã phát triển mạng lưới lên hơn 200 điểm giao dịch, với đội ngũ trên 4.000 cán bộ nhân viên. |
Bảo Lâm