![]() |
Toàn cảnh buổi họp báo của Văn phòng Chính phủ chiều 30/7/2013. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam, Người Phát ngôn của Chính phủ điểm lại các nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2013 diễn ra hôm nay, 30/7. Các thông tin số liệu đã có đầy đủ trong thông cáo báo chí, tuy nhiên, theo đề nghị của các phóng viên, các nhà báo, Người Phát ngôn của Chính phủ đã nêu rõ tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng qua, các định hướng điều hành trong thời gian tới.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết: Kể từ đầu năm tới nay, tình hình KT-XH phát triển đúng hướng, tốt lên, tuy nhiên, tốc độ tốt lên không nhanh như mong muốn, theo ngôn ngữ của các nhà kinh tế, thì gọi là “kinh tế tăng trưởng dưới mức tiềm năng”.
Tình hình kinh tế vĩ mô cũng diễn biến theo đúng hướng đề ra. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sau mấy tháng âm thì tháng này, sau khi điều chỉnh một số giá, đã tăng lên (0,27% so với tháng trước và tăng 2,68% so với tháng 12 năm ngoái).
Như vậy, so với năm ngoái và năm trước nữa, mục tiêu Quốc hội đặt ra là năm nay kiềm chế lạm phát thấp hơn (khoảng 7%) là mục tiêu khả thi. Mỗi khi CPI chững lại thì xuất hiện luồng ý kiến cho rằng cần kích cầu, để thúc đẩy tăng trưởng. Chính phủ đã thảo luận, phân tích kỹ các ý kiến của chuyên gia trong và ngoài nước, cho rằng không thể lơ là việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, tình hình sản xuất kinh doanh cũng tốt lên, chỉ số tăng trưởng công nghiệp quý sau cao hơn quý trước, tháng sau cao hơn tháng trước. Mặc dù còn gặp số khăn nhưng số doanh nghiệp thành lập mới đã tăng lên, số doanh nghiệp ngưng trệ sản xuất giảm đi. Tồn kho đã quay lại mức bình thường.
Tình hình các lĩnh vực khác cũng đúng theo hướng từ đầu năm tới nay như an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh được bảo đảm.
Cái khó bao trùm hiện nay là gì? Theo ngôn ngữ của các nhà kinh tế, có thể nói là sức mua kém. Thông thường, sức mua hay nhu cầu thấp thì phải tăng cầu nhưng nếu không cẩn thận, việc tăng cầu có thể gây lạm phát.
Gần đây, Chính phủ đã đề nghị các nhà kinh tế trong và ngoài nước tập trung phân tích, có nhiều ý kiến nhưng tựu chung lại là trong thời gian tới, chúng ta phải đặt mục tiêu điều hành như điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ bám vào mục tiêu dài hạn hơn, cố gắng kiềm chế lạm phát ở mức 7%, đưa tốc độ tăng trưởng nhích dần lên.
Điều quan trọng là không chạy theo mục tiêu kiềm chế lạm phát xuống mức thấp ngay lập tức, đưa tăng trưởng tăng cao ngay mà điều quan trọng là giữ ổn định vĩ mô, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tạo đà cho các bước tiếp theo.
Tại phiên họp thường kỳ tháng này, Chính phủ dành thời gian thảo luận và nhấn mạnh phải đẩy mạnh tái cơ cấu như tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Việc tái cơ cấu đầu tư công bắt đầu cho thấy hiệu quả rõ nét, chuyển từ hàng năm sang trung hạn. Chính phủ mong muốn người dân cùng giám sát, ủng hộ để tái cơ cấu hiệu quả hơn.
Sau đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam trực tiếp trả lời câu hỏi của báo chí.
PV Thanh Tùng, Báo Vietnam Investment Review: Liên quan đến đầu tư công và ngân sách trong 7 tháng đầu năm thì nguồn vốn đầu tư từ Trung ương giảm mạnh trong khi tại địa phương lại tăng rất mạnh, vì sao lại có tình trạng này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Nguồn vốn để đầu tư công căn cứ vào thu ngân sách. Hàng năm chúng ta đều có kế hoạch thu ngân sách bao nhiêu, chi bao nhiêu, thu ngân sách chủ yếu từ thuế, mà theo lộ trình chung các loại thuế giảm dần.
Trong những năm trước, chúng ta thu 100 đồng thì phải dành có khi đến gần 50 đồng để đầu tư phát triển như đường, trường, bệnh viện... và càng ngày tỷ trọng thu từ thuế so với GDP của cả nước là đi xuống.
Thứ hai, tỷ trọng đầu tư phát triển cũng thấp dần từ trên 40% xuống trên 30%, đến năm 2012 là còn xấp xỉ 20% và 2013 thì còn khoảng 18%. Như năm 2013, tôi nói tròn, chúng ta có khoảng 180.000 tỷ đồng đầu tư cho các công trình, được phân làm 2 phần, một phần giao cho địa phương, một phần cho bộ, ngành ở Trung ương. Phần các bộ, ngành, tôi nói số tròn, khoảng 80.000 tỷ đồng, phần còn lại thì đầu tư cho các địa phương, nhưng các địa phương còn một phần nữa là từ ngân sách địa phương tự huy động đầu tư. Vì thế ngân sách đầu tư từ các bộ, ngành Trung ương không tăng là điều rất bình thường, còn nhu cầu đầu tư của các bộ, ngành thì rất nhiều như xây bệnh viện, làm đường quốc lộ… Ở địa phương, phần ngân sách Trung ương phân cho địa phương cũng chỉ có như vậy, nhưng nếu địa phương nào đầu tư từ nguồn tại chỗ mà tăng thêm đầu tư công, mà đúng theo tinh thần "làm đâu được đó", không dàn trải ra, thì cũng phấn khởi.
![]() |
Phóng viên đặt câu hỏi tại họp báo - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
PV Tố Như- Báo Nông nghiệp Việt Nam: Được biết, từ 15/6, Chính phủ triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, nhưng trong báo cáo thì lương thực là nhóm giảm duy nhất trong rổ hàng hóa tính CPI. Bộ trưởng có thể phân tích thêm mối liên hệ ở đây như thế nào? Đã có chính sách nhưng vì sao lương thực vẫn giảm?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Như tôi nói, đã đến lúc cần nhìn nhận sâu sắc toàn diện ngành Nông nghiệp để có những đổi mới cần thiết. Việt Nam vươn lên là một trong những nước hàng đầu về xuất khẩu lúa gạo. Có những năm chúng ta tăng đều 1 triệu tấn lương thực, xuất khẩu gạo tùy từng năm nhưng hiện nay khoảng 7 triệu tấn. Có năm xuất khẩu đứng thứ 2 hoặc thứ 3. Cá, tôm, cà phê cũng như vậy.
Bây giờ không phải thời điểm thế giới thiếu gạo trầm trọng. Nhiều nước xuất khẩu gạo, như Thái Lan, Ấn Độ, bây giờ Myanmar cũng bắt đầu đổi mới sản xuất như chúng ta mươi năm trước, giá thành ban đầu rất rẻ.
Nông dân làm ra gạo theo mùa vụ, phải có doanh nghiệp đứng ra mua, chế biến gạo để xuất khẩu. Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối để mua tạm trữ lúa gạo khi chưa xuất khẩu.
Việc mua tạm trữ này không có nghĩa doanh nghiệp hay Nhà nước có chính sách bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. Hàng năm căn cứ theo sản lượng, thị trường, Chính phủ điều hành trong một khoảng thời gian nhất định, khi vào vụ mùa thu hoạch, có tài chính và cơ chế để doanh nghiệp mua tạm trữ một phần lúa gạo cho người dân, như bạn nói năm nay là 1 triệu tấn lúa gạo.
Các bộ, ngành vừa trình, Chính phủ đang xem xét có thể kéo dài thời hạn tạm trữ.
Tại sao Chính phủ vẫn trợ giúp mua tạm trữ mà giá không lên hay không xuống? Nếu tất cả cùng bán ồ ạt thì giá xuống. Còn nếu có khoản tạm trữ để giúp doanh nghiệp mua thì có thể kìm, không để giá xuống. Nếu cách đây hơn 1 tháng, giá xuống thấp, khi có gói hỗ trợ, giá được giữ ổn định.
Tăng giá tới mức nào thì dân được lợi thì ngược lại đầu ra gặp khó khăn. Đây là mối cân đối lớn.
Chúng ta tìm cơ chế điều hành sao cho đảm bảo quyền lợi của dân và giữ được thị trường xuất khẩu gạo ổn định và được giá.
Có một câu chuyện khác nhau giữa 2 bên: người nông dân và chính quyền địa phương. Rất muốn rằng tiến tới cơ chế là các doanh nghiệp được xuất khẩu gạo thì tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào quá trình đầu tư vào vùng lúa. Nếu không trực tiếp đầu tư cùng dân thì cũng phải cam kết thu mua của người dân. Nhưng ngược lại, để doanh nghiệp tham gia cùng người dân thì lại là lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn khác.
Ngày xưa có câu chuyện mía đường, chúng ta cũng cần từng bước tuyên truyền, tiến tới sản xuất theo vùng nguyên liệu lớn, không manh mún, khắc phục tình trạng doanh nghiệp đầu tư giống, vốn, hỗ trợ để người nông dân bán lúa, thành phẩm cho doanh nghiệp ấy nhưng khi được giá lại bán cho doanh nghiệp khác.
Nếu cứ tiếp tục vòng luẩn quẩn ấy thì không thể phát triển bền vững.
Vừa rồi, báo chí đưa tin và Thủ tướng đã trực tiếp họp với một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, giao các bộ khẩn trương thực hiện trên tinh thần hướng tới trong một số năm các doanh nghiệp được xuất khẩu gạo, thủy sản phải trực tiếp hoặc gián tiếp gắn với vùng nguyên liệu. Với hướng đó, Chính phủ tin rằng thị trường sẽ ổn định hơn.
PV Hà Thanh, VTV: Trong thông báo ban đầu của cuộc họp, Chính phủ có báo cáo Đề án thí điểm kiểm soát Thông tư liên Bộ trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Năm 2012, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, khoảng 10 nghìn văn bản do bộ, ngành, các tỉnh ban hành không phù hợp với pháp luật hoặc không đúng thẩm quyền. Mục tiêu của Đề án này là gì? Làm thế nào để nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Không phải 10.000 Thông tư đều sai, gây bức xúc. Trong hàng chục nghìn văn bản quy phạm pháp luật, có một số điểm chưa hợp lý và chính báo chí góp ý nhiều và các bộ đã tiếp thu.
Tình trạng một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn có một số điều không khả thi, không phù hợp với thực tiễn liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân. Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp và các bộ, ngành xem xét thí điểm để có cơ chế kiểm soát văn bản hành chính mà từ trước đến nay giao toàn quyền cho Bộ trưởng các Bộ chuyên ngành. Bộ Tư pháp thí điểm đưa ra cơ chế thẩm định các văn bản như bạn nói là thẩm định Thông tư của các Bộ trước khi ban hành để tránh tình trạng bất cập, không khả thi như thời gian qua.
Mặc dù tổng số văn bản bị phản ứng ít nhưng gây bức xúc cho nhân dân. Có hai điều đáng chú ý: Thứ nhất, việc làm này phải tuân theo trình tự ban hành quy định văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Thứ hai, không làm nhẹ vai trò của Bộ trưởng các Bộ chuyên ngành.
Ví dụ trường hợp Bộ TTTT. Trước đây, thuộc lĩnh vực thông tin truyền thông, Bộ trưởng chỉ đạo soạn Thông tư. Bây giờ, thí điểm việc Bộ Tư pháp thẩm định trước khi Bộ trưởng Bộ TTTT ban hành.
Khi Luật Xử lý vi phạm hành chính ban hành, có rất nhiều quy định ra đời.
Ví dụ liên quan đến thuế, đất đai, có nhiều thông tư hướng dẫn liên quan trực tiếp đến người dân. Bộ Tư pháp không thể làm hết tất cả mà sẽ chọn lĩnh vực “nóng” làm thí điểm trước, từ đó tổng kết lại để rút ra kinh nghiệm để không xảy ra sơ suất, để chấn chỉnh chứ không làm thay đổi quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chính phủ sẽ bàn và thông qua Nghị quyết.
PV Nguyễn Yến, VTC: Hiện nay K được quyền phát sóng Giải Ngoại hạng Anh. Mặc dù thông tin này được biết rất sớm, nhưng việc này vẫn xảy ra, Hiệp hội Truyền hình trả tiền đã 2 lần gửi văn bản lên VPCP và Bộ TTTT nhưng vẫn chưa phản hồi, quan điểm của 2 Bộ trưởng như thế nào?
VTV với tư cách là Trưởng Ban đàm phán nhưng để cấp dưới của mình là K vi phạm, vậy việc xử lý VTV như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Thứ nhất, chúng ta chủ trương từ lâu, khuyến khích phát triển các dịch vụ, trong đó có dịch vụ truyền hình, đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí của nhân dân.
Thứ hai, chúng ta đã có Luật Cạnh tranh và Luật Chống độc quyền để giúp người dân được tiếp cận tốt nhất, thuận tiện nhất và với mức chi phí thấp nhất các dịch vụ.
Điều nữa, đơn vị có bản quyền đều phải hoạt động dựa trên cơ sở pháp luật. Đây là chuyện hợp đồng với các đối tác với nhau thì phải đúng theo pháp luật và phải xử lý theo pháp luật. Và mới đây Bộ TTTT đã họp và có ý kiến về vấn đề này.
PV Vũ Lan, Báo Đất Việt: Về dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, các nhà khoa học đã lên tiếng, tỉnh Đồng Nai cũng có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá về hai dự án thủy điện này. Vậy xin hỏi Bộ trưởng việc này thực hiện đến đâu, quyết định của Chính phủ như thế nào? Và tại sao không cho tạm dừng hai dự án thủy điện này khi công suất rất nhỏ so với tổng quy hoạch sơ đồ điện trong khi thời gian qua Bộ Công Thương đã cho dừng hàng loạt thủy điện nhỏ, và sắp tới sẽ cho dừng nhiều dự án khác, vậy liệu ở đây có vướng mắc gì không?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Vấn đề này Người Phát ngôn Chính phủ đã từng nói cụ thể các nguyên tắc xem xét các dự án thủy điện. Việc này làm đúng theo quy định, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét, đánh giá, sẽ có báo cáo và dựa trên mọi mặt có tính thuyết phục, công khai, nếu đảm bảo làm được thì sẽ làm, không làm được thì sẽ không làm. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đánh giá và tôi xin khẳng định lại là việc này không có khúc mắc gì, theo đúng nguyên tắc Chính phủ đã chỉ đạo.
Còn về bình luận Bộ Công Thương đã cho dừng hàng loạt thủy điện nhỏ, và sắp tới sẽ cho dừng nhiều dự án khác cho thấy nếu xem xét dự án nào dựa trên những tiêu chí mà phải dừng thì đương nhiên phải dừng, và ngược lại chúng ta vẫn phải có một số thủy điện phải làm.
PV Chiến Thắng, Báo QĐND: Đúng như Bộ trưởng nói, xu hướng thu ngân sách nhà nước trong mấy năm gần đây giảm dần, như con số của Bộ KHĐT đến 7/2013 chỉ đạt 46,8% dự toán năm, cùng kỳ năm ngoái tỷ lệ thu đạt 49%. Theo con số mới nhất trong thông cáo, trong 7 tháng đầu năm đạt hơn 52,6% dự toán, 2011 đạt 65% dự toán. Vậy trong bối cảnh nguồn thu khó khăn hiện nay, Chính phủ có giải pháp gì để hoàn thành chỉ tiêu thu trong năm nay?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Về xu thế giảm thu NSNN, không thể hiểu theo cách như vậy. Mà ở đây có thể nói nôm na là giảm tỷ lệ huy động từ GDP vào ngân sách nhà nước. Ví dụ như tổng sản phẩm quốc nội (GDP), bình thường 1 năm là tạo ra thêm 100 đồng thì thu ngân sách, chủ yếu là qua thuế, trước đây có thời gian là 30 đồng, như vậy, người ta nói thu nhiều thế là tận thu, mà phải cố gắng thu ít thôi để tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển để nuôi nguồn thu. Tỷ lệ huy động cho ngân sách như vậy bây giờ giảm dần đi, đấy là đúng xu thế.
Hàng năm, Chính phủ đều xây dựng, trình Ban chấp hành Trung ương, Quốc hội kế hoạch hàng năm, trong đó có phần rất quan trọng là đánh giá năm nay chi, thu bao nhiêu, sang năm tới với đà phát triển như vậy thì phải thu, chi bao nhiêu. Nguyên tắc thu bao nhiêu chi bấy nhiêu. Còn chi nhiều hơn thu thì phải đi vay, mà chúng ta gọi là thâm hụt ngân sách.
Quốc hội ra chỉ tiêu năm nay ví dụ là thâm hụt (bội chi) không quá 4,8% GDP, tức là chi có thể nhiều hơn thu, nhưng mức nhiều hơn không được vượt 4,8% GDP.
Kế hoạch đã đặt ra, ngay từ tháng 12 năm ngoái Chính phủ đã triển khai kế hoạch, giao cho các Bộ, ngành, địa phương. Ngoài phần chi cho lương, còn phần chi đầu tư như tôi nói.
Chính phủ năm nào cũng phải cố gắng, dù khó mấy cũng cố đạt kế hoạch thu chi.
Tùy từng năm, có những năm như 2011, hết tháng 7 thu trên 60%, có những năm thu thấp hơn như năm nay, cho nên nói thu ngân sách khó là có lý do: tình hình sản xuất khó khăn, giảm dần các sắc thuế, hội nhập thì lộ trình chung là thuế giảm và một số mặt hàng thuế suất không giảm nhưng giá trị giảm.
Chính vì doanh nghiệp khó khăn nên chúng ta có một loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong đó có giãn, miễn một số thuế, nên ảnh hưởng đến thu ngân sách.
Chính phủ quyết tâm phấn đấu năm nay vẫn đảm bảo kế hoạch thu chi, không để bị vỡ kế hoạch.
PV Nhật Minh, Báo VnExpress: Trong kỳ họp lần trước, Chính phủ và Bộ Công Thương cho biết đã giao EVN tính toán yếu tố đầu vào của giá điện để làm căn cứ điều chỉnh trong năm nay. Hiện nay, Chính phủ và Bộ Công Thương đã nhận được báo cáo của EVN hay chưa? Và phương án điều chỉnh giá điện sẽ như thế nào?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Chúng ta có một loạt giá đang tiến dần đến cơ chế thị trường, trong đó quan trọng là giá điện. Chủ trương chung của Đảng, Nhà nước là nhất quán giá thành tiến tới theo cơ chế thị trường.
Đầu vào giá điện là than, giá than bán cho điện hiện nay thấp hơn than bán cho xã hội và các ngành khác, xảy ra tình trạng thu lượm than bán cho nước ngoài. Nhưng hệ lụy thứ 2 quan trọng hơn: Nếu giá điện của Việt Nam thấp, thì tất cả dự án đầu tư sẽ không thiên về đầu tư công nghệ để tiết kiệm điện, như vậy dẫn đến chúng ta sẽ có nền sản xuất lạc hậu. Ngân sách Nhà nước không thể đầu tư mãi vào điện nên cần phải kêu gọi đầu tư từ xã hội nhưng giá điện thấp quá thì đầu tư không có lãi sẽ không thu hút được đầu tư.
Điều chỉnh giá điện có hai vấn đề. Thứ nhất, người dân Việt Nam có thu nhập thấp và cái gì cũng tính theo giá quốc tế thì sẽ rất khó khăn. Đúng là có yếu tố để làm ra điện, ngoài thủy điện thì các phần còn lại phải mua theo giá quốc tế như điện chạy bằng khí thì máy móc, giá khí cũng theo giá quốc tế, hay tới đây điện gió, điện năng lượng mặt trời thì giá máy móc cũng theo giá quốc tế. Chúng ta không có sự lựa chọn. Chúng ta nhằm vào việc thay vì hỗ trợ chung cho điện thì hỗ trợ cho người dân. Ví dụ, mỗi hộ dân, nhất là người nghèo được bao cấp một số điện nhất định. Chính phủ khẳng định sau này khi điều hành giá điện, sẽ có chính sách hỗ trợ người tiêu dùng có thu nhập thấp, người nghèo.
Điểm thứ hai, nếu tăng ngay giá điện đầu vào thì dẫn đến sức cạnh tranh hao hụt. Đây là cái giá phải trả. Và chính vì 2 lý do nói trên, đặc biệt là lý do sau, tại sao nhiều năm nay, chúng ta không thể điều chỉnh ngay 1 lúc mà phải theo lộ trình.
Ngoài ra, nếu điều chỉnh giá điện hay loại giá nào đó như giá dịch vụ y tế thì điều hành phải khéo léo theo yếu tố tâm lý của thị trường. Vì vậy, Chính phủ cân nhắc và đề ra lộ trình, đồng thời khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước, nếu được tuyên truyền giải thích đến nơi đến chốn thì sẽ có được sự đồng tình của nhân dân.
Chúng ta tiến tới cơ chế thị trường kèm theo điều kiện hỗ trợ cho người dân, nhất là người thu nhập thấp và người nghèo. Và khuyến khích các doanh nghiệp không chỉ bằng lời nói mà bằng cơ chế tài chính, chính sách thuế cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, để đầu tư vào công nghệ hiện đại và tiết kiệm năng lượng hơn.
Phương án lộ trình tăng giá điện đã được Chính phủ đã bàn nhiều năm nay. Còn lộ trình tăng cụ thể như thế nào phải căn cứ vào nhiều yếu tố. Khi nào có đổi mới căn bản về giá điện, rút kinh nghiệm lần trước, chúng tôi yêu cầu EVN phải có kế hoạch tuyên truyền để giải thích, lấy ý kiến phản hồi của cộng đồng để có điều chỉnh cần thiết về biện pháp cụ thể khi tăng giá điện.
PV Việt Anh, Báo GĐXH: Còn 2 ngày nữa là kỷ niệm 5 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa chính Hà Nội, vậy ngoài ý nghĩa to lớn của việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội thì trong quá trình thực hiệc Nghị quyết này, chúng ta có những khó khăn gì? Trong thời gian tới sẽ phải làm gì để giải quyết những vấn đề gặp phải trong khi thực hiện?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Ngày mai, Hà Nội sẽ tiến hành đánh giá tổng kết 5 năm mở rộng địa chính Hà Nội. Quá trình mở rộng địa giới hành chính đã được bàn rất kỹ để phù hợp với xu hướng phát triển chung và đương nhiên khi chúng ta có những điều chỉnh lớn như vậy, sẽ có những mặt được và những mặt còn hạn chế.
Và chắc chắn Chính phủ sẽ cùng với Hà Nội, hỗ trợ Hà Nội để có những giải pháp, phát huy những điểm tích cực và những bất cập trong quá trình vừa qua cũng sẽ được từng bước khắc phục.
PV Tư Giang, Báo Thời báo Kinh tế Sài Gòn: Kỳ trước, Bộ trưởng có nói về nguy cơ nền kinh tế quanh quẩn và tụt hậu nếu VN không thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu nền kinh tế. Cá nhân tôi cho rằng đánh giá nhận định của Bộ trưởng là rất nhiệt huyết và nhận thức đúng đắn. Xin hỏi có bao nhiêu thành viên Chính phủ chia sẻ quan điểm của ông và đâu là rào cản đối với quá trình tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Quyết tâm tái cơ cấu và phương hướng tái cơ cấu để Việt Nam phát triển nhanh hơn, bền vững hơn là quyết tâm chung của toàn Đảng, toàn Chính phủ. Vấn đề đặt ra tái cơ cấu là phải xem lại tổng thể nền kinh tế từ những khâu vĩ mô, ở tầm quốc gia đến những việc rất chi tiết. Ví dụ trong DN là tái cơ cấu sản phẩm, thay đổi cung cách điều hành. Đây là việc làm rất lớn, là một quá trình.
Chính phủ đã xây dựng đề án tái cơ cấu kinh tế trình Quốc hội nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng đề án này chưa cụ thể, chưa có thay đổi. Nhưng chúng ta đã bàn bạc và thống nhất tái cơ cấu là quá trình làm toàn diện từ chính sách vĩ mô, đến nếp làm việc từng con người, từng cơ sở sản xuất.
Vậy cái vướng nhất của tái cơ cấu là gì? Đến nay nền kinh tế của chúng ta đi theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì đã rõ nhưng xuất phát điểm của nền kinh tế chúng ta là từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, bị ảnh hưởng của chiến tranh rất dài.
Vì vậy, chúng ta đổi mới trong khi nguồn lực thì có hạn, yêu cầu cởi mở thì rất lớn. Ví dụ, cách đây 20 năm thì yêu cầu của chúng ta rất đơn giản. Bạn nào tuổi đã trên 30 chắc lúc đó chỉ mơ ước có ti vi, không nghĩ cần có điều hòa, mơ ước có xe máy không nghĩ phải có ô tô. Nhưng hiện nay, nhu cầu mở ra, thế giới có gì chúng ta cũng yêu cầu như thế nhưng nguồn lực của chúng ta lại theo sau họ rất nhiều. Cân đối làm sao thì đấy là một vấn đề.
Như giá điện, giá xăng dầu nhiều người bức xúc cho rằng không thể so sánh giá VN với giá quốc tế trong khi thu nhập của chúng ta chỉ bằng 1/10 của họ nhưng họ cũng dùng những tivi, điều hòa giống chúng ta, liệu có tivi, điều hòa nào có tiêu chuẩn thấp hơn để chúng ta dùng hay không.
Tất cả các thành viên Chính phủ và cả hệ thống chính trị đều đồng tâm là phải tái cơ cấu, phải tiếp tục đổi mới, cả nhân dân cũng vậy. Nếu chúng ta không đổi mới, không tái cơ cấu mạnh mẽ thì chúng ta không vượt lên được, và không phải nguy cơ tụt hậu mà tụt hậu thật vì các nước xung quanh cũng phát triển rất nhanh, xuất phát điểm của họ lại cao hơn.
PV Việt Thắng, Báo Đại Đoàn Kết: Chính phủ có giải pháp nào để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giải quyết vấn đề vắc xin, nâng cao chất lượng giáo dục?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Về chất lượng giáo dục, Trung ương đã bàn Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, Đề án đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong thời kỳ mới, Trung ương đã có kết luận giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu thêm một số vấn đề. Tại kỳ họp này, Chính phủ tiếp tục bàn hoàn thiện đề án, chắc chắn sẽ đến thời gian đưa ra lấy ý kiến. Đề nghị các bạn tham gia tâm huyết bởi tất cả chúng ta đều là người đã hưởng thành quả của nền giáo dục nước nhà.
Đối với y tế, bạn nói tới 2 vấn đề, đúng là 2 vấn đề Chính phủ luôn coi là trọng tâm và trong cuộc họp này Chính phủ cũng bàn tới.
Một là làm sao để chống ùn tắc ở bệnh viện, dù điều kiện rất khó khăn nhưng chúng ta sẽ đầu tư, trình cơ quan có thẩm quyền tăng thêm vốn xây dựng bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện chuyên ngành, tập trung vào bệnh viện đang rất quá tải.
Tôi xin nói thêm, không chỉ xây thêm bệnh viện mới chống giảm tải được. Có nhiều biện pháp như củng cố bộ máy bên dưới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, hợp tác với các bệnh viện cử người từ bệnh viện trung ương xuống tỉnh, hay tỉnh xuống huyện để khám một tuần một lần như nhiều nơi đã làm.
Có rất nhiều biện pháp, nhưng phải nói một điều rằng, có một số bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện chuyên ngành dù áp dụng các biện pháp vẫn quá tải. Bởi vì người dân đến bệnh viện đó vì có thầy thuốc giỏi, đến đó thì bệnh mới có khả năng chữa được. Sức khỏe là quý nhất, khi có bệnh, nhất là nan y người ta không quản ngại xa xôi, nơi khám chật hẹp.
Chính phủ đã chỉ đạo tới đây có các biện pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình dang dở, xây thêm một số cơ sở các bệnh viện chuyên khoa ở HN, TPHCM.
Đối với vấn đề vắc xin, thời gian qua, Bộ Y tế đã có chỉ đạo. Sự việc đáng tiếc vừa qua một số cháu tử vong sau khi tiêm vắc xin, điều quan trọng và cần thiết nhất Bộ Y tế đã làm là ngưng cho tiêm để đánh giá. Tính mạng của con người là quý hơn hết.
Bộ Y tế đã chỉ đạo bằng nhiều biện pháp, không chỉ là làm sao để không xảy ra như vậy nữa, không chỉ không xảy ra hiện tượng cụ thể ấy, mà cả những hiện tượng không giống như thế nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân đặc biệt là các cháu bé.
Bộ Y tế đã chỉ đạo các biện pháp đồng bộ, trong phiên họp này, Chính phủ cũng đề cập đến vấn đề này, yêu cầu Bộ Y tế phải tiếp tục thực hiện các biện pháp mà Bộ Y tế đã chỉ đạo, điều quan trọng là chúng ta phải làm sao để không xảy ra những tình trạng tương tự như vậy. Còn việc xử lý trách nhiệm, đương nhiên phải làm, nhưng điều quan trọng hơn hết không phải là xử lý trách nhiệm người A, người B, quan trọng là giữ gìn sức khỏe cho người dân, không để điều như vậy xảy ra.
Cổng TTĐT Chính phủ