Theo các doanh nghiệp, từ năm 2000 đến nay, họ nhập khẩu mặt hàng có tên thương mại là Anhydrous Milkfat (chất béo khan từ sữa). Dẫn các tài liệu của Ủy ban tiêu chuẩn hóa Thực phẩm Quốc tế, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia Việt Nam, Tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam, các doanh nghiệp cho rằng Anhydrous Milkfat hay Anhydrous Butterfat (chất béo khan của bơ) là như nhau.
Lâu nay, cơ quan Hải quan vẫn xác định mặt hàng được nhập khẩu là Anhydrous Butterfat, có mã số là 0405.90.10 với mức thuế suất nhập khẩu là 5%.
Thế nhưng mới đây, trên cơ sở kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan đã xác định Anhydrous Milkfat và Anhydrous Butterfat là 2 dòng hàng khác nhau với mức thuế nhập khẩu khác nhau. Nhiều doanh nghiệp tuy nhập khẩu mặt hàng Anhydrous Milkfat (chất béo khan từ sữa, mã số 0405.90.90, với mức thuế 15%) nhưng lại khai là mặt hàng Anhydrous Butterfat (tức chất béo khan của bơ, mã số 0405.90.10, với mức thuế 5%).
Trên cơ sở này, Tổng cục Hải quan yêu cầu truy thu thuế các doanh nghiệp ngược trở lại từ năm 2010.
Sau khi các doanh nghiệp gửi kiến nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã giao Bộ Tài chính khẩn trương xem xét, xử lý kiến nghị của các doanh nghiệp này và có văn bản trả lời cho các doanh nghiệp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong công văn mới gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho rằng việc tách biểu thuế với hai mã số cho hai mặt hàng trên là cần thiết, tách riêng chất béo khan từ sữa và chất béo khan từ bơ. Tuy nhiên, không “hồi tố” để truy thu thuế đối với các lô hàng đã nhập khẩu từ trước.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng thừa nhận mức thuế nhập khẩu 15% với mặt hàng chất béo khan của sữa - nguyên liệu cho sản xuất các sản phẩm sữa chua, sữa hoàn nguyên trong nước là quá cao. Do đó, cơ quan này đã sửa đổi mức thuế suất nhập khẩu xuống 5% (bằng với mặt hàng chất béo khan từ bơ).
Thành Đạt