In bài viết

Vụ bắt người tố cáo "cát tặc": Khởi tố 5 nhân viên

(Chinhphu.vn) – Đây là 5 nhân viên thuộc Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Long Thành, Đồng Nai, bị khởi tố vì hành vi hủy hoại tài sản.

07/05/2016 19:44
Khi bà Ngọc ngăn chặn ghe hút cát, nhiều người lạ mặt đe dọa bà Ngọc trước mặt lực lượng công an (ảnh báo Tuổi trẻ cắt từ clip do gia đình bà Ngọc cung cấp quay vào tháng 9/2015). Bà Ngọc bị tạm giam vì bị cho rằng có hành vi chống người thi hành công vụ.
Báo Đồng Nai đưa tin, chiều 6/5, Công an huyện Nhơn Trạch đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với 5 nhân viên bảo vệ rừng Long Thành (thuộc Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Long Thành) để điều tra về hành vi hủy hoại tài sản.

Các quyết định này cũng đã được Viện Kiểm sát nhân dân huyện Nhơn Trạch phê chuẩn.

Theo đó các ông: Lê Văn Lang (Trạm trưởng Trạm Rạch Tràm), Trương Văn Lớn (đội phó Đội bảo vệ rừng ngập mặn), Lê Ngọc Tuân (nhân viên Trạm Rạch Gốc), Phạm Đức Tú (nhân viên Trạm Long Thọ) và Phạm Văn Ẩn (nhân viên Trạm Tắc Hông) đều bị khởi tố về hành vi trên nhưng được cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú để điều tra.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, sau khi có thông tin phản ánh bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc (34 tuổi, ngụ ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) là người đang làm đùng nuôi tôm trên đất thuộc Ban Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Long Thành quản lý có dấu hiệu xây dựng trái phép, Ban Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Long Thành đã phân công 11 nhân viên bảo vệ đến hiện trường để kiểm tra.

Tuy nhiên trong các ngày 26 và 27/2, dù hoàn toàn không có bất kỳ quyết định cưỡng chế nào của chính quyền địa phương cũng như sự chỉ đạo của cấp trên, nhưng các nhân viên bảo vệ rừng đến nơi được cho là bà Ngọc xây dựng trái phép đã xông vào chòi canh tôm của bà này đập phá công trình.

Các nhân viên này còn bắt trói ông Nguyễn Văn Ni (cha bà Ngọc), ném khoảng 40 bao xi măng (trị giá khoảng 3,4 triệu đồng) của bà Ngọc xuống đầm tôm.     

Liên quan đến vụ việc, báo chí đưa tin bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc (trú tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) tố cáo Công ty Nhân Thiện Hòa khai thác cát tại khu vực đã gây ô nhiễm môi trường nhưng lại bị Công an huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai bắt tạm giam ngày 19/4/2016 vì tội chống người thi hành công vụ đối với một vụ việc xảy ra vào ngày 5/9/2015.

Sau khi nhận được thông tin phản ánh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Đồng Nai kiểm tra, làm rõ nội dung báo nêu và báo cáo Thủ tướng.

Sau đó, ngày 26/4, công an địa phương đã  ra quyết định đình chỉ vụ án, Viện KSND huyện Nhơn Trạch cũng đã tổ chức xin lỗi bà Ngọc; ngày 28/4 Công an huyện Nhơn Trạch đã công bố quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Thượng tá Trương Quốc Hiếu, Phó trưởng Công an huyện Nhơn Trạch, người đã ký quyết định khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc về hành vi chống người thi hành công vụ.

Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Những vụ việc gây bức xúc xảy ra thời gian vừa qua cho thấy, có một số cán bộ, công chức đã lạm quyền khi thực thi công vụ, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Mặt khác, cũng cho thấy tình trạng một số cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn khi thi hành nhiệm vụ nhưng thoái hoá biến chất, tiêu cực hoặc hạn chế về trình độ, năng lực, xử lý công việc thiếu trách nhiệm, tùy tiện, vô nguyên tắc. Quan điểm của Chính phủ là không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính; kiên quyết xử lý những người vi phạm, không né tránh, không bao che.

Với tinh thần đó, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện ngay một số việc trọng tâm:

Một là, tăng cường giáo dục cán bộ, công chức thượng tôn pháp luật; chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, không ngừng nâng cao chất lượng thực thi công vụ và tinh thần phục vụ.

Hai là, khẩn trương rà soát các chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, nhất là những chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân, môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Ba là, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực thi công vụ, việc chấp hành pháp luật, chấp hành các quy tắc ứng xử và quy tắc, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bốn là, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, của báo chí và nhân dân.

PV (tổng hợp)