Liên quan đến vụ hàng chục người trốn khỏi casino từ Campuchia bơi qua sông Bình Ghi về Việt Nam, tối 20/8, Báo CAND cho biết: Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với 2 đối tượng: Nguyễn Thị Lệ (SN 1980) và Lê Văn Danh (SN 1988, cùng trú tại thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) để điều tra làm rõ về hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.
Sau 2 ngày tích cực điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang phối hợp cùng Công an huyện An Phú xác định, trong số 40 người trốn khỏi casino bên Campuchia bơi qua sông về Việt Nam, có 6 người do Lệ và Danh đưa trót lọt xuất cảnh trái phép sang Campuchia tửtrước đó.
Tại cơ quan Công an, bước đầu Lệ khai nhận, từ khoảng tháng 5/2022, Lệ được một người đàn ông không rõ lai lịch câu móc tham gia đưa người xuất cảnh trái phép từ Việt Nam qua Campuchia. Lệ đồng ý. Sau đó, Lệ câu móc với Danh. Danh tham gia đón khách xuất cảnh chở đến bến sông bờ phía Việt Nam giao cho Lệ đưa sang Campuchia.
Theo thoả thuận khi đưa khách trót lọt qua Campuchia, Lệ và Danh được trả công 100.000 đồng/khách.
Ngoài việc đưa 6 người khách trên xuất cảnh trái phép qua Campuchia, Lệ còn thừa nhận cùng Danh đưa trót lọt nhiều lần, nhiều đối tượng xuất cảnh trái phép qua Campuchia với mục đích làm việc tại casino.
Hiện vụ việc đang được Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang tiếp tục điều tra mở rộng.
Trước đó, báo chí đưa tin, vào khoảng 9h45 ngày 18/8, chốt quản lý bảo vệ biên giới và phòng chống dịch COVID-19 số 21 (gọi tắt là Chốt 21, đóng quân địa bàn khóm Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) phát hiện, giữ 40 người (35 nam, 5 nữ; tất cả đều chưa xác định được nhân thân) từ Casino Rich World (trước đây tên Casino Kinh Sa, thuộc ấp Chrey Thum, xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal, Campuchia) – đối diện Chốt 21 bơi sông Bình Ghi nhập cảnh trái phép về Việt Nam.
Qua công tác nắm tình hình và thông tin do người dân cung cấp, tổng số có 42 đối tượng nhập cảnh về Việt Nam. Chốt số 21 phát hiện, bắt giữ 40 người, 1 người quá trình bơi sông Bình Ghi nhập cảnh về Việt Nam bị mất tích, 1 người bị bảo vệ của Casino Rich World bắt giữ lại. Kết quả test nhanh COVID -19, cả 40 đối tượng đều âm tính.
Hiện, Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và Công an huyện An Phú tổ chức lực lượng tìm kiếm người mất tích. Đồng thời, tiến hành lấy lời khai các đối tượng, làm rõ bản chất sự việc.
Khai thác nhanh các đối tượng khai nhận, đa phần các đối tượng đều xuất cảnh trái phép ở khu vực biên giới các tỉnh phía Nam, sau khi sang Campuchia thì hợp đồng và làm việc tại Casino Rich World.
Một số đối tượng trước đó đã làm việc tại các casino đối diện tỉnh Tây Ninh, Long An do người Trung Quốc quản lý, sau đó được chuyển về Casino Rich World.
Công việc hàng ngày là làm game online và lên các trang mạng làm theo sự chỉ đạo của người quản lý casino. Do làm việc quá thời gian, quá tải, không được nghỉ ngơi, và không được trả lương, nhóm đối tượng này thống nhất bàn bạc tìm cách vượt biên giới về Việt Nam.
Đến khoảng 9h ngày 18/8, các đối tượng tập trung tại một địa điểm đã thống nhất từ trước, sau đó đồng loạt tấn công bảo vệ casino, chạy ra cổng, nhảy xuống sông và bơi qua sông Bình Ghi nhập cảnh vào Việt Nam.
Đến sáng 20/8, cơ quan chức năng phát hiện một thi thể trên sông Bình Ghi nghi liên quan đến vụ việc.
Ngày 20/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao thông tin về công tác bảo hộ công dân trong vụ việc 42 công dân Việt Nam bỏ trốn khỏi sòng bài ở Campuchia.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Về việc này, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia liên hệ với cơ quan chức năng sở tại làm rõ thông tin, kiểm tra cơ sở này; đề nghị phía Campuchia hỗ trợ tìm kiếm người bị mất tích cũng như điều tra nguyên nhân vụ việc, đồng thời khẩn trương triển khai các biện pháp bảo hộ công dân.
Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cũng đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan trong nước nhanh chóng xác minh nhân thân những người đã về nước, tìm hiểu thông tin để triển khai các biện pháp bảo hộ công dân tiếp theo.
Trước tình trạng nhiều người Việt Nam bị lừa đảo, môi giới đi lao động bất hợp pháp tại Campuchia, trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong nước, đặc biệt là các địa phương giáp biên giới và các cơ quan chức năng Campuchia tiếp nhận thông tin, xác minh, triển khai nhiều biện pháp bảo hộ công dân, kịp thời hỗ trợ công dân gặp khó khăn, hoạn nạn và cứu thoát, đưa hơn 500 công dân về nước an toàn, hỗ trợ thủ tục cho hàng ngàn công dân khác.
Bộ Ngoại giao đề nghị các cơ quan liên quan và báo chí trong nước tăng cường tuyên truyền, cảnh báo nâng cao nhận thức của người dân về việc đi lao động ở nước ngoài.
"Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia sẽ tiếp tục theo dõi sát vụ việc cũng như tình hình người lao động Việt Nam ở sở tại, kịp thời thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam", Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.