In bài viết

Vụ sập nhà ở 107 Trần Hưng Đạo: Nhà xuống cấp nhưng chậm xử lý

(Chinhphu.vn) - Dù đã biết tình trạng khu nhà ở số 107 Trần Hưng Đạo có nguy cơ đổ bất cứ lúc nào nhưng đơn vị quản lý là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) giải quyết chậm, gây hậu quả nghiêm trọng.

24/09/2015 07:45

 Biệt thự cổ 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) bị sập khiến 2 người chết, 6 người bị thương - Ảnh Quang Hiếu

Cung cấp thông tin cho báo chí, chiều 23/9, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc VNR cho biết, khu nhà 107 Trần Hưng Đạo nằm trong quần thể khu vực Ga Hàng Cỏ (nay là Ga Hà Nội), được xây dựng năm 1900, hoàn thành năm 1905.

Khu đất có diện tích 2.800 m2 gồm 7 ngôi nhà với tổng diện tích sàn xây dựng 2.669 m2. Theo đó, ngôi nhà số 1 (2 tầng, 1 tầng hầm) với diện tích xây dựng 643 m2, có 500 m2 là trụ sở làm việc của Ban quản lý Dự án đường sắt khu vực I (VNR); 143 m2 cho CBCNV làm nhà ở (có hợp đồng thuê nhà với Công ty Quản lý phát triển nhà đường sắt, nay là Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông vận tải).

Tiếp đó, từ ngôi nhà số 2 đến nhà số 6 (được xây dựng từ năm 1970) có diện tích 907 m2 bố trí làm nhà ở cho CBCNV. Ngôi nhà số 7, cấp 4, diện tích xây dựng 60 m2, Bệnh viện Giao thông mượn làm phòng khám đa khoa. VNR đã có văn bản yêu cầu bệnh viện trả lại trước ngày 10/8/2015.

“Do thời gian sử dụng đã lâu nên công trình nhà số 1 bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sụp đổ, úng ngập toàn bộ tầng hầm. Tổng công ty đã có nhiều văn bản báo cáo UBND TP. Hà Nội cho phép di dời các hộ gia đình trong khuôn viên khu nhà 107 Trần Hưng Đạo và phá dỡ để xây dựng trụ sở làm việc của Tổng công ty Đường sắt”, ông Đoàn Duy Hoạch nói.

Qua thời gian sử dụng, VNR cũng đã sửa chữa, cải tạo như: chống sập sàn tầng 1, trần tầng 2 hội trường; thay thế cửa tầng 2 hội trường; xây dựng hệ thống trạm bơm thoát nước, chống úng ngập tầng hầm.

Trách nhiệm của chủ đầu tư

Liên quan đến việc khắc phục, giải quyết sự cố sau vụ sập nhà 107 Trần Hưng Đạo, ông Đoàn Duy Hoạch cho biết, hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân sự cố, tuy nhiên nguyên nhân bước đầu được xác định là do tòa nhà qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp và thời tiết mưa liên tục những ngày gần đây cũng khiến tòa nhà bị thấm nước, giảm khả năng chịu lực.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo VNR đã đến bệnh viện thăm hỏi các nạn nhân bị thương, hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 10 triệu đồng.

Về trách nhiệm quản lý nhà 107 Trần Hưng Đạo cũng như các công trình biệt thự cổ trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trách nhiệm của chủ quản lý, sử dụng đã được quy định rất rõ tại Luật Nhà ở, Nghị định 34 của Chính phủ, đó là hàng năm chủ quản lý, sử dụng phải lập kế hoạch duy trì, cải tạo.

"Với nhà nguy hiểm cấp độ D, chủ đầu tư phải di dời, lập dự án phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại. Trường hợp buộc phải xây dựng lại do không bảo đảm chất lượng, nếu là nhà nhóm I và II, công trình xây dựng lại phải đúng nguyên trạng biệt thự cũ. Cụ thể nhà 107 Trần Hưng Đạo thuộc nhóm II" - ông Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

Thu Hà