In bài viết

Vụ tai biến chạy thận: Nhiều băn khoăn việc bắt tạm giam BS. Hoàng Công Lương

(Chinhphu.vn) - Xung quanh việc bắt tạm giam đối với BS. Hoàng Công Lương (liên quan đến sự cố chạy thận ở Hòa Bình khiến 8 người tử vong), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, BS. Lương không phải người trực tiếp phạm tội, cũng không phải là phần tử gây nguy hiểm, do đó việc bắt tạm giam là không cần thiết, mà nên cho tại ngoại để điều tra.

28/06/2017 10:11
ĐBQH Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Báo SK&ĐS
Trước quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với 3 bị can liên quan đến vụ việc chạy thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh Hòa Bình khiến 8 người tử vong, ĐBQH, GS.TS Nguyễn Anh Trí (Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương) cho báo Sức khỏe và Đời sống biết, ông đồng ý với quyết định khởi tố vụ án của cơ quan cảnh sát điều tra bởi thảm họa này là rất lớn.

Tuy nhiên, “Việc bắt tạm giam đối với BS. Hoàng Công Lương thì tôi không đồng ý. Việc khởi tố vụ án là cần thiết, nhưng trường hợp nào bắt tạm giam thì đáng lẽ cơ quan điều tra cần cân nhắc. Bởi luật quy định chỉ bắt tạm giam với những đối tượng gây ra tội phạm nghiêm trọng, còn đây sự việc đã xảy ra rồi; hay đối tượng có nguy cơ bỏ trốn; người gây án tiếp tục gây ra những nguy hiểm cho xã hội. Cả ba yếu tố này BS. Lương hoàn toàn không có”, ĐBQH Nguyễn Anh Trí phân tích.

Có cùng quan điểm, ĐBQH, LS. Nguyễn Văn Chiến (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho Infonet biết, ngay từ khi sự việc mới xảy ra ông đã theo dõi rất kỹ. Và khi đọc thông tin cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố, bắt tạm giam  3 bị can, trong đó có BS. Hoàng Công Lương, ông cảm thấy bàng hoàng.

Theo LS. Nguyễn Văn Chiến, trong quy trình chạy thận thì yếu tố máy móc rất quan trọng. Do đó, máy móc phải được thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng và xử lý những sự cố.

“Từ khi bên phía kỹ thuật xác nhận đã thực hiện xong từ  6h30-7h ngày hôm trước, thì có nghĩa rằng hệ thống đó đã sẵn sàng để thực hiện quy trình để bác sĩ thực hiện y lệnh chạy thận”, LS. Chiến phân tích và cho biết thêm, ngay ngày hôm sau, chính đội ngũ kỹ thuật ấy cũng có mặt nhưng không có ý kiến gì. Tại thời điểm đó, phía BV cũng đã chạy thận ở 2 máy với 2 bệnh nhân trong 45 phút vẫn không xảy ra chuyện gì. Do đó, theo LS. Chiến thì “toàn bộ khâu kỹ thuật bác sĩ không thể biết. Còn cái phần văn bản chỉ là mặt hành chính mà thôi”.

Dưới góc nhìn của một luật sư, ông Chiến cho rằng, khi khởi tố một vụ án hình sự phải căn cứ vào nhân quả - giữa hành vi khách quan và hậu quả xảy ra. Yếu tố khách quan ở đây chính là khâu bảo dưỡng, bảo trì của máy để BS thực hiện y lệnh dẫn đến hậu quả khiến 8 người tử vong, chứ không phải quan hệ nhân quả do mấy chữ ký chưa hoàn thiện giữa bộ phận bảo dưỡng, bảo trì với BV.

“Nếu giả sử bác sĩ cứ chờ hoàn thiện thủ tục với biên bản bàn giao có đầy đủ chữ ký thì hậu quả có  xảy ra hay không? Có liên quan đến trách nhiệm của bác sĩ ký y lệnh để chạy thận hay không? Cái này cần phải xem xét thấu đáo để bảo đảm hợp tình hợp lý”, LS. Chiến nhấn mạnh.

Đồng tình với việc cơ quan điều tra xác minh vụ việc là cần thiết, nhưng LS. Chiến cho rằng, việc xác minh điều tra không có nghĩa là khởi tố tất cả. “Đặc biệt không có nghĩa rằng phải bắt tạm giam đối với BS. Lương. Bởi vì việc bắt tạm giam nhằm mục đích ngăn chặn đối tượng nguy hiểm, nếu không ngăn chặn sẽ có nguy cơ bỏ trốn, hoặc tiếp tục phạm tội gây nguy hiểm cho xã hội. Đối với BS. Lương, không phải người trực tiếp phạm tội, cũng không phải là phần tử gây nguy hiểm, không phải là người có thể bỏ trốn để tiếp tục gây nguy hiểm để mà phải bắt tạm giam”.

Đơn kiến nghị của Hội Hồi sức-cấp cứu và chống độc

Hội Hồi sức-cấp cứu gửi đơn kiến nghị lên Bộ Công an

Trước quyết định khởi tố vụ án và bắt tạm giam BS. Hoàng Công Lương vì đã “Thiếu trách nhiệm, vi phạm nghiêm trọng quy định về khám chữa bệnh. Mặc dù chưa nhận được bàn giao việc sửa chữa bằng văn bản, nhưng BS. Lương vẫn tiến hành chạy thận cho các bệnh nhân”, ngày 26/6, GS.TS. Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức-cấp cứu và chống độc Việt Nam - người trực tiếp lên Hòa Bình tham gia khắc phục sự cố chạy thận - thay mặt Hội đã ký đơn kiến nghị gửi lên Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công an. Đơn kiến nghị này đưa ra 5 điểm, trong đó nhấn mạnh đến việc cung cấp nguồn nước bảo đảm theo tiêu chuẩn để lọc máu là trách nhiệm của BV. Nhân viên y tế không có chuyên môn kỹ thuật và cũng không được phân công làm công việc này. Nhân viên y tế chỉ là người sử dụng nguồn nước sau khi được bàn giao và thực hiện các quy trình kỹ thuật lọc máu đã được Bộ Y tế ban hành.  

Theo đơn kiến nghị này thì việc bàn giao thiết bị máy móc trước và sau khi sửa chữa bảo dưỡng trên giấy tờ chỉ là bàn giao về số lượng, chủng loại thiết bị… Nguồn nước khi được bàn giao cho nhân viên y tế để sử dụng, thực hiện kỹ thuật lọc máu cho người bệnh đương nhiên là đã bảo đảm chất lượng. Vì vậy Công an tỉnh Hòa Bình đưa ra kết luận là BS. Lương không biết chất lượng có bảo đảm hay không mà vẫn đưa vào sử dụng, gây tử vong cho bệnh nhân là không thuyết phục.

BS. Lương cho chỉ định lọc máu theo chương trình, sau khi được bàn giao qua điện thoại của người có trách nhiệm (nhân viên phòng vật tư của bệnh viện) là hợp lý. Nếu chờ đợi bàn giao bằng văn bản sẽ mất thời gian và lỡ kế hoạch đã đề ra. Mặt khác trong trường hợp này, nếu chỉ lọc máu cho bệnh nhân sau khi bàn giao bằng văn bản  thì sự cố vừa qua vẫn xảy ra như vậy. Vì vậy theo Hội: Khuyết điểm của BS. Lương là thiếu sót về thủ tục hành chính mà thôi.

Đặc biệt, khi sự cố xảy ra, với lượng nhân viên ít ỏi, BS. Lương và các đồng nghiệp đã làm việc hết mình, xử trí nhanh và chính xác, cấp cứu kịp thời 18 bệnh nhân trong khi chờ đợi các đồng nghiệp đến trợ giúp, vì vậy đã giảm thiểu số bệnh nhân tử vong, nếu không số bệnh nhân tử vong còn có thể nhiều hơn nữa.  

“Như vậy, lẽ ra BS. Lương và những cán bộ y tế tham gia cấp cứu phải được động viên, khen thưởng, thì nay lại được coi là tội phạm thì không thỏa đáng và gây hoang mang cực độ cho nhân viên y tế chúng tôi.

Vì vậy chúng tôi kính đề nghị Thượng tướng-Bộ trưởng, quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, kết luận một cách khách quan để tránh oan sai, để cho những nhân viên y tế chúng tôi yên tâm phục vụ người bệnh”, GS.TS. Nguyễn Gia Bình nhấn mạnh.

Đơn kiến nghị của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân xin giảm nhẹ tội cho BS Lương. Ảnh: Báo Dân Việt

Người nhà bệnh nhân xin giảm nhẹ tội cho BS. Lương

Theo báo Dân Việt, ngày 27/6, bệnh nhân Trần Văn Quang (một trong 10 nạn nhân sống sót sau sự cố chạy thận), cùng nhiều nạn nhân trong vụ việc và người nhà bệnh nhân từng điều trị tại đơn nguyên thận nhân tạo BVĐK tỉnh Hòa Bình ký đơn kiến nghị gửi tới Công an tỉnh Hòa Bình, TAND, Viện KSND tỉnh Hòa Bình xin cho BS. Hoàng Công Lương được tại ngoại, đồng thời giảm nhẹ hình phạt cho BS này.

Trong đơn gửi tới cơ quan chức năng, các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cho biết, quá trình điều trị, chạy thận ở BVĐK tỉnh Hòa Bình, họ nhận được sự chăm sóc tận tình, hết mực của BS. Lương.

“Chúng tôi mong các cơ quan chức năng điều tra vụ việc một cách công minh và cho BS. Lương được tại ngoại, tiếp tục công việc cứu chữa bệnh nhân và chăm sóc bệnh nhân”, nội dung trong đơn kiến nghị viết.

Ông Lê Tiến Dũng (chồng bà Nguyễn Thị Bích Nguyên - bệnh nhân tử vong do sự cố chạy thận) cho biết, ông rất bất ngờ khi cơ quan điều tra bắt giữ BS. Lương vì có liên đến vụ án. "Tôi chưa biết trách nhiệm của BS. Lương trong vụ án này như thế nào, nhưng việc BS. Lương bị bắt tôi lấy làm đáng tiếc bởi anh ấy là bác sĩ có tâm, hết lòng chăn sóc bệnh nhân”

Trước khi mất vì sự cố chạy thận, vợ ông Dũng đã trải qua 7 năm chạy thận tại Đơn nguyên thận nhân tạo, BVĐK tỉnh Hòa Bình. Trong suốt 7 năm đó, ông cảm nhận tình cảm của BS. Lương cũng như các y, bác sĩ ở BV dành cho các bệnh nhân chạy thận như người thân thiết.  

Ông Dũng cũng cho biết, với tính cách cũng như sự chăm sóc của BS. Lương dành cho bệnh nhân thì sự cố chạy thận là ngoài ý muốn chủ quan của BS. Vì vậy, dù gia đình gặp mất mát lớn, nhưng ông vẫn mong cơ quan tố tụng xác định chính xác trách nhiệm của từng người trong vụ án. Nếu BS. Lương có trách nhiệm liên quan thì mong cơ quan điều tra giảm nhẹ hình phạt.

Chi Mai (tổng hợp)