Trước đó, ngày 08/5 Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã công bố quyết định khởi tố bị can và thực hiện việc bắt tạm giam 2 đối tượng là Hoàng Thế Trung và Trần Cao Bằng.
Trong đó, Hoàng Thế Trung nguyên là Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội; Trần Cao Bằng nguyên Giám đốc Công ty Ống sợi thủy tinh Vinaconex.
Hai đối tượng nêu trên bị khởi tố về hành vi “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 229, Bộ Luật Hình sự.
* Theo Báo Công an nhân dân, bị can Vũ Thanh Hải, Quản đốc phân xưởng sản xuất, Trưởng phòng sản xuất, là người đã trực tiếp giúp việc cho bị can Trần Cao Bằng, Giám đốc Công ty cổ phần ống sợi thủy tinh Vinaconex trong việc tổ chức sản xuất, cung cấp ống và phụ kiện ống cốt sợi thủy tinh cho dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội.
Bị can Hải không tuân thủ các quy định của pháp luật về chất lượng hàng hóa, điều kiện năng lực của nhà thầu tham gia dự án, tiêu chuẩn - quy chuẩn xây dựng được phê duyệt áp dụng; đã xác nhận để bị can Trần Cao Bằng ký nghiệm thu cung cấp ống cốt sợi thủy tinh cho Dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội không đảm bảo chất lượng, yêu cầu thiết kế.
Đối với 2 bị can Khải và Hiển, thuộc Ban quản lý Dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội, đơn vị được giao nhiệm vụ thay mặt chủ đầu tư tiến hành tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng thi công, chất lượng vật liệu sử dụng cho dự án nhằm đảm bảo chất lượng công trình. Tuy nhiên, 2 bị can này đã không tổ chức tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng ống cốt sợi thủy tinh dùng để lắp đặt cho Dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội... nhưng vẫn ký xác nhận nghiệm thu chất lượng đường ống này, dẫn đến chất lượng công trình xây dựng không đảm bảo.
Đối với 4 bị can là Đỗ Đình Trì, Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống và Bùi Minh Quân thuộc Đoàn tư vấn giám sát thi công tuyến ống, có nhiệm vụ giám sát thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị Dự án này nhưng đã không thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao dẫn đến hậu quả là chất lượng đường ống không đảm bảo khi đưa vào sử dụng, nhanh chóng xuống cấp và 10 lần bị vỡ đường ống cấp nước khi vận hành khai thác...
Số tiền để khắc phục hậu quả này là hơn 9,3 tỷ đồng; trong thời gian 278 giờ đường ống bị vỡ, hơn 1,2 triệu m³ nước đã không được cung cấp đến người dân, gây mất ổn định sinh hoạt, hoang mang trong đời sống nhân dân Thủ đô.