In bài viết

Vực dậy ngành chè từ chính cây chè

(Chinhphu.vn) – Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS) Đoàn Anh Tuân cho rằng cần phải nâng chất lượng cây chè Việt Nam trước khi nói đến chuyện nâng tầm thương hiệu Chè Việt.

02/08/2012 15:09

Ảnh minh họa

Quan điểm trên được đưa ra tại Hội thảo “Tham vấn đề xuất giải pháp định hướng phát triển ngành chè Việt Nam” do Hiệp Hội Chè Việt Nam tổ chức ngày 31/7.

Tăng trưởng chưa bền vững

10 năm qua, ngành chè Việt Nam đã có bước phát triển đáng chú ý về năng suất, sản lượng, chế biến.

Năm 2001, năng suất bình quân chè cả nước mới chỉ đạt 4,5 tấn/ha thì đến năm 2011 đã vượt qua ngưỡng 7,5 tấn/ha với 133.300 ha đất chuyên canh chè. Số lượng các nhà máy chế biến chè cũng tăng nhanh, từ 230 nhà máy, lên hơn 450 nhà máy với công suất chế biến tăng từ 3.000 tấn/ngày lên 4.600 tấn/ngày.

Lượng chè xuất khẩu chiếm 80% sản lượng trong khi nhu cầu chè tiêu thụ nội địa hầu như không tăng, thậm chí còn giảm. Tuy nhiên, nhiều năm qua giá chè xuất khẩu luôn biến động trồi sụt thất thường.

Giai đoạn 2000-2003, giá chè xuất khẩu bình quân của nước ta duy trì ở mức hơn 2.000 USD/tấn, giai đoạn 2004-2005 tăng vọt lên tới 3.000 USD/tấn (thuộc vào mức giá cao nhất thế giới), thế nhưng từ năm 2006 đến nay thì lại lao  xuống mức thấp nhất thế giới.

Ông Tuân nêu lên những “căn bệnh mãn tính” của ngành chè là chất lượng sản phẩm xấu nhiều, tốt ít; các doanh nghiệp chè Việt Nam bán phá giá cả ở trong nước và ở nước ngoài với nhiều chiêu thức tranh mua, tranh bán.

Vì vậy, dù VITAS đã tăng cường tuyên truyền về thương hiệu “Chè Việt”, nhưng càng tuyên truyền thì chè Việt càng mất thương hiệu khi khách hàng mua phải những sản phẩm chất lượng kém.

“Bây giờ cứ nói đến chè Việt Nam thì khách hàng nước ngoài cho rằng đó là đồ phế phẩm”, ông Tuân nói.

Do vậy, ông Tuân cho rằng trước hết phải nâng cao chất lượng chè rồi sau đó mới nên tuyên truyền về thương hiệu chè Việt, để tránh tình trạng tác động ngược.

Nhận diện để khắc phục nhược điểm

TS Trần Công Thắng, Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) nhận định, nhược điểm của ngành chè Việt Nam là chưa có bộ giống chè chủ lực, nhiều bộ giống chè đã thoái hóa, già cỗi. Người trồng chè chưa chú trọng đầu tư thâm canh, chưa đủ điều kiện để thực hiện quy trình GAP.

Hầu hết cơ sở chế biến chè không ổn định về nguyên liệu, tình trạng tranh mua tranh bán làm cho nông dân không quan tâm đến chất lượng chè. Công nghệ chế biến lạc hậu, không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, ít quan tâm tới điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Quốc Vọng, Đại học RMIT (Australia), đã đề xuất trước hết cần tổ chức lại ngành chè và vai trò của Hiệp hội Chè Việt Nam để quản lý thống nhất, có hiệu lực đối với người trồng chè cũng như doanh nghiệp, với các chức năng: xây dựng hệ thống pháp luật, quy trình kỹ thuật và GAP, xuất nhập khẩu… 

Người trồng chè được được thuê đất của Nhà nước với thời hạn dài (có thể 50-100 năm) hoặc có quyền sở hữu nương chè, và phải xin phép, đáp ứng đủ điều kiện để được cung cấp cây giống đúng tiêu chuẩn, miễn phí đào tạo kỹ thuật trồng chè… dưới sự giám sát của ủy ban chè cấp địa phương.

Vùng trồng chè cần được quy hoạch lại để nâng cao năng suất, chất lượng và tính an toàn của nguyên liệu chè búp tươi. Đồng thời các nhà máy chế biến chè phải được sắp xếp lại theo hướng đảm bảo phải có vùng nguyên liệu riêng; có chính sách đưa nông dân thành cổ đông của nhà máy chế biến chè.

Cùng với đó, xây dựng trung tâm kiểm định chất lượng chè ở miền Bắc và miền Nam với quy chế chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế (đối với chè xuất khẩu) và tiêu chuẩn Việt Nam (đối với chè tiêu thụ trong nước).

Ngành chè Việt Nam đề ra chỉ tiêu đến năm 2015: diện tích khoảng 130.000 ha, năng suất búp tươi 9,2 tấn/ha; tổng sản lượng chè búp tươi đạt 1,2 triệu tấn; sản lương chè búp khô đạt 260.000 tấn, trong đó xuất khẩu 200.000 tấn, giá xuất bình quân lên 2.200 USD/tấn.

Đỗ Hương