Từ những tồn tại "bất thường" về địa chất, đặc biệt là cách hình thành cồn sò điệp (đúng hơn là vỏ điệp chứa vỏ sò ốc) với hình thái, sự phân bố, tuổi cũng như môi trường sinh thành và bảo tồn của chúng trên vùng biển Nghệ Tĩnh, nhóm các nhà khoa học Ngô Gia Thắng, Cao Đình Triều và Lê Duy Bách thuộc Hội Kiến tạo, Tổng Hội Địa chất Việt Nam đã tiến hành điều tra, nghiên cứu khảo sát và bức màn "bí ẩn" về những con sóng thần trên vùng đất biển dữ dội này đã dần được hé mở.
Theo ông Ngô Gia Thắng, Hội Kiến tạo, Tổng Hội Địa chất Việt Nam, với những chứng cứ địa chất như: Tuổi, nguồn gốc, sự phân bổ và điều kiện hình thành các thể địa chất khác nhau đặc biệt là cách tạo thành vỏ sò điệp, vỏ ốc đã có cơ sở tương đối thuyết phục để xác định về mực nước biển, trên cơ sở đó, xác định sự có mặt của 3 đợt sóng thần đã từng xảy ra: Đợt thứ 1 vào thời điểm cách đây 4300 - 4600 năm tạo cồn điệp lẫn vỏ sò ốc tại phía Tây đồng bằng. Đợt sóng thần thứ 2 có độ tuổi 4000 - 4100 năm, có thể cao tới 10m tạo tập điệp trên sườn núi chợ Quỳnh Văn (do sóng tới) và tạo cồn điệp Nghi Tiến (do sóng rút ra). Đợt sóng thần thứ 3, gần đây nhất là khoảng 600 - 800 năm có thể đã gây động đất mạnh tạo nên đê cuội Khe Su.
Trên cơ sở những nghiên cứu, khảo sát thực địa và kết quả phân tích tuổi tuyệt đối các mẫu thu thập tại khu vực vùng biển Nghệ An - Hà Tĩnh, nơi có phân bố trầm tích biển, đặc biệt là các cồn sò điệp và dấu tích mực nước biển trong Holocen (doi cát và bãi sò ốc lẫn cuội sỏi trên đường bờ, dấu ngấn mài mòn do sóng vỗ) đã xác định tương đối có cơ sở mực nước biển trong Holocgen Trung có tuổi khoảng 4.300 - 4.600 năm và khoảng 4000 - 4.100 năm.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu sự xuất hiện của cồn sò điệp ở các vùng bờ biển Quỳnh Lưu - Diễn Châu, đoạn từ nền Quốc lộ 1A, tại thị trấn Diễn Châu đến chân núi Đền Cuông; khu chợ Quỳnh Văn, xã Quỳnh Lưu, dải cát ven biển (xóm 9, Bắc núi Dua) thuộc xã Nghi Tiến (huyện Nghi Lộc).
Sự xuất hiện của các cồn điệp có độ tuổi từ 4300 - 4800 ở khu vực này là những "bất thường" về địa chất bởi loài điệp chỉ sống dưới mực nước biển từ 9- 10m. Vì vậy, khi cồn điệp xuất hiện tại khu vực này thì mực nước biển thời gian đó phải đạt đến độ cao 10 - 15m và hơn. Do vậy, các nhà khoa học đã khẳng định nguồn gốc cồn điệp chợ Quỳnh Văn là do sóng lớn có khả năng quét sâu đến đáy biển - đó là kiểu sóng thần. Nếu như vậy, sóng thần cách đây vào khoảng 4300 - 4600 năm có thể cao 6-7m đã hất vỏ sò, điệp từ độ sâu 9-10m lên sườn núi. Đáng chú ý, vào thời điểm đó có sự kiện trượt sạt lở sườn lớn có thể do động đất ở khu vực núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Tuổi của mẫu sạt lở núi này cách đây khoảng 4480 năm.
Sau sự kiện này, người ta đã tìm thấy một lớp phủ đất đá và sò điệp trên sườn núi có độ tuổi khoảng 4000 - 4100 năm. Lớp điệp bị hất phủ chồng lên lớp cũ có độ tuổi cổ hơn có thể đã xảy ra đợt sóng thần thứ 2. Đợt sóng thần thứ 2 này là nguyên nhân hình thành cồn điệp Nghi Tiến nằm chồng lên cồn cát cũ nhưng dưới tác động không phải của sóng tới - sóng mà có lẽ là của sóng rút ra. Điều này có thể được minh chứng bởi sự có mặt của cồn điệp tồn tại xa về phía lục địa, rìa Tây núi Thần Vũ (mỏm nhô ra phía Bắc cầu Cấm, gần quốc lộ 1A mà nhóm các nhà khoa học đã xác định được độ tuổi ở trên.
Một loạt sự kiện địa chất đáng chú ý khác cũng được các nhà khoa học tìm thấy là sự liên tiếp trượt lở sườn núi quy mô khá rộng và mạnh được xác định trên sườn các dải núi ven biển từ khu vực núi Đặng Công (đền Cuông) ở Diễn Châu đến dãy Hồng Lĩnh, Thạch Hải, Thạch Hà (ven biển bắc Hà Tĩnh). Các mẫu xác định sự trượt lở rất lớn gồm hầu như toàn bộ bề mặt từ chân đến đỉnh hoặc gần toàn bộ núi cho thấy chúng gần như tập trung trong khoảng tuổi từ 600 - 800 năm (khu vực gần xóm 4 Nghi Tiến). Cùng thời điểm này, ở khu vực Khe Su, đoạn gần bờ biển chân núi phía Đông Bắc núi Đặng Công một "đê cuội" được hình thành khá độc đáo. Đê cuội này cao khoảng 6 - 7m, rộng chừng 50m kéo dài vài trăm mét chắn ngang dòng suối Khu Su.
Nguồn gốc đê cuội với sự trùng hợp về tuổi và sự kiện sạt lở quy mô lớn (nhiều khả năng do động đất gây ra), được ghi chép trong nhiều tư liệu lịch sử về một trận đại hồng thủy cuốn phăng làng mạc ra biển, biến vùng đất xứ Nghệ thành bãi cát cách đây 600 năm.
Các nhà khoa học cho rằng, để có đủ cơ sở chứng minh được những kết luận trên, cần tiếp tục những công trình nghiên cứu khoa học đầy đủ, tỉ mỉ hơn nữa. Song, kết quả này đã có ý nghĩa phát hiện vô cùng quan trọng, góp phần cho công tác nghiên cứu cổ động đất, cổ sóng thần còn rất mới mẻ ở Việt Nam.
Kim Liên